Thương hiệu Việt đang bị "bỏ quên" trong quá trình cổ phần hóa

(ĐTCK) Một trong những vấn đề quan trọng mà Nhà nước cần quan tâm là phải đảm bảo tài sản thương hiệu, coi đây là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững sau khi cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, thay vì chỉ chú trọng tới yếu tố kinh tế.
Nhà nước cần có một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có khả năng bảo vệ thương hiệu Việt (ảnh minh họa) Nhà nước cần có một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có khả năng bảo vệ thương hiệu Việt (ảnh minh họa)

Đó là khuyến nghị của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo chuyên sâu với chủ đề “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Góc nhìn chuyên gia” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tổ chức sáng 12/6.

Chỉ ra một thực trạng tồn tại lâu nay trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, vấn đề bảo vệ thương hiệu Việt, lựa chọn nhà đầu tư để có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế dường như đang bị xếp vị trí thứ yếu sau mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn ở mức giá cao.

Theo ông Tùng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua vẫn chưa mang lại những hiệu quả và lợi ích đích thực cho doanh nghiệp như kỳ vọng.

“Với vai trò là chủ thể kiến tạo sự phát triển của quốc gia, Nhà nước cần có một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có khả năng bảo vệ thương hiệu Việt và duy trì ngành nghề kinh doanh chính, dày dạn kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam, đảm bảo có thể kế thừa và phát triển tốt các sản phẩm của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn.

Những thương hiệu quốc gia không chỉ đơn thuần mang lại giá trị cho doanh nghiệp, mà còn là nguồn lực phát triển kinh tế quan trọng trong dài hạn của một quốc gia.

Vì vậy, khi xét chọn nhà đầu tư cần phải lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có năng lực, có kinh nghiệm để có thể kế thừa và phát triển thương Việt và qua đó, có những đóng góp dài hạn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế”, ông Tùng đề xuất.

Thương hiệu Việt đang bị "bỏ quên" trong quá trình cổ phần hóa ảnh 1

Đồng tình quan điểm này, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong quá trình cổ phần hóa hoặc thoái vốn Nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp, ngành và cho cả nền kinh tế.

Nếu như ở khu vực tư nhân, khi thực hiện các giao dịch mua bán, sáp nhập, họ thường chỉ quan tâm tới khoản thu tài chính ngắn hạn thì Nhà nước - với vai trò là chủ thể kiến tạo sự phát triển của quốc gia, cần có một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

“Bên cạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước với mức giá hợp lý và không làm thất thoát tài sản, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến các yếu tố để đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp”, ông Long khuyến nghị.

Cụ thể, theo chuyên gia này, trước hết, nhà đầu tư chiến lược cần có khả năng duy trì, phát triển ngành nghề kinh doanh chính và bảo vệ thương hiệu Việt.

Để đảm bảo lựa chọn được đúng nhà đầu tư phù hợp, Chính phủ cần thận trọng đánh giá lịch sử hoạt động của nhà đầu tư tiềm năng để phát hiện các tín hiệu không khả quan (ví dụ: truyền thống thôn tính thương hiệu của nhà đầu tư đó trong quá khứ); hoặc các thông tin về kết quả phát triển kinh doanh dựa trên thương hiệu nội địa trong quá khứ (ví dụ: tỷ lệ doanh thu của công ty đến từ thương hiệu địa phương họ đã mua lại).

Bên cạnh đó, để đảm bảo có thể thúc đẩy, mở rộng thị trường cho sản phẩm, nhà đầu tư chiến lược cũng cần có kinh nghiệm dày dạn ở thị trường Việt Nam, đảm bảo có thể kế thừa và phát triển tốt các sản phẩm của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục