Gỡ rối đầu tư công, các bộ, ngành phải ngồi cùng bàn

Câu hỏi cần trả lời lúc này là tại sao có dự án, có tiền, mà vẫn không tiêu được. Trả lời được câu hỏi này, cơ chế, chính sách về đầu tư sẽ có sự thay đổi thực chất.
Đã có hướng xử lý vướng mắc về thẩm quyền đối với dự án đi qua nhiều tỉnh, thành phố. Ảnh: Đức Thanh Đã có hướng xử lý vướng mắc về thẩm quyền đối với dự án đi qua nhiều tỉnh, thành phố. Ảnh: Đức Thanh

Chấm dứt rối rắm về thẩm quyền

Cuối cùng, câu hỏi ai sẽ quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Vĩnh Tân đã có thể trả lời. Dự thảo Nghị quyết về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kiến nghị Chính phủ sớm ban hành đã đưa ra phương án.

Theo đó, với các dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của từ 2 UBND cấp tỉnh (gồm dự án dưới 5.000 tỷ đồng), cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành chủ trì tổ chức thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của UBND cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án. Trường hợp trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành của tập đoàn, tổng công ty không đặt tại một trong các địa phương dự kiến thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND cấp tỉnh của một trong các địa phương nơi thực hiện dự án quyết định chủ trương đầu tư theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đây không phải lần đầu có hướng dẫn xử lý với dự án đi qua nhiều tỉnh, thành phố. Đường dây 500 KV Nhiệt điện Nam Định 1 - Phố Nối cũng là dự án đi qua nhiều tỉnh, thành phố. Tháng 1/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án.

Vấn đề là trước đó, Dự án Đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Vĩnh Tân lại được giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết định chủ trương đầu tư do căn cứ vào Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69).

Các chuyên gia pháp luật về đầu tư cho rằng, dù cùng là khái niệm quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt duyệt dự án, song nội hàm các thuật ngữ này tại Luật Đầu tư và Luật số 69 không giống nhau, nên có các vận dụng chưa thống nhất.

Cụ thể, mục đích, tính chất, trình tự, thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư” theo quy định của Luật Đầu tư là của cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Còn việc phê duyệt dự án theo Luật số 69 nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện sở hữu trong việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và là cơ sở để hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư.

Như vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phải là cơ quan quản lý nhà nước, nên việc thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư Đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Vĩnh Tân như đã thực hiện tháng 6/2019 là cá biệt. Ngay chính Ủy ban cũng đề nghị phải làm rõ quy trình để thực hiện, tránh lặp lại tình trạng dự án phải nằm chờ văn bản đi lại hỏi thẩm quyền…

Câu hỏi cần nhất là làm thế nào vào lúc này

Thực ra, không phải chỉ một vài dự án của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang bị quy trình, thủ tục, quy định làm khó. Đây là lý do yêu cầu rà soát, đề xuất các phương án hoàn thiện quy định của các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý sử dụng vốn nhà nước, để giải tỏa dứt điểm các vướng mắc trong hoạt động đầu tư, gồm cả đầu tư công và đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp nhà nước, là một trong các nội dung mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị đưa vào Nghị quyết trên.

Cũng phải nói rõ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt đầu tư công là một trong những giải pháp được Chính phủ quyết liệt thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh vào lúc này.

Các bộ có thể ngồi với nhau, đưa dự án lên bàn để xem vướng ở điều gì, khoản nào, văn bản nào và gỡ ra sao, chứ không phải mỗi bộ một báo cáo rồi đẩy hết công việc lên Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM   

Hiện có các đề xuất phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành theo thẩm quyền để đưa các đề xuất, phương án trình Thủ tướng Chính phủ. Đơn cử, 2 dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất được đề nghị thực hiện theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng… Thông thường, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng và các bộ liên quan sẽ nghiên cứu, báo cáo các đề xuất cho Chính phủ để xử lý.

“Lúc này, phải đặt câu hỏi, dự án có, tiền có, mà tại sao vẫn chưa tiêu được. Tại sao 2 dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất và nhiều dự án đã được nhắc đến rất nhiều, nhưng vẫn chưa sớm triển khai được. Câu trả lời là, thủ tục phức tạp, cài răng lược, trong giai đoạn trước đây đã khó, nay nếu vẫn quy trình bình thường, theo nguyên tắc cứng là phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, thì không thể gỡ được”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn.

Đây là lý do ông Cung ủng hộ đề xuất đưa các dự án vào trường hợp đặc biệt trong quy định của các luật liên quan để thực hiện. “Có thể có sự miễn cưỡng nào đó trong câu chữ, song với thẩm quyền của Quốc hội, có thể quyết được nhanh. Nguyên tắc là Quốc hội sẽ quản lý tổng nguồn vốn và hiệu quả sử dụng trong kỳ kế hoạch, thực hiện phân quyền nhiều hơn, khi đó sẽ có dư địa cho nhiều cách làm, thay vì cắt khúc để quyết định dự án đầu tư như hiện tại”, ông Cung nói.

Với cách này, Chính phủ có thể dựa vào chuyên gia có chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực của dự án để quyết định đầu tư, thay vì chỉ dựa vào thủ tục hành chính, quy trình.

“Đặc biệt, các bộ có thể ngồi với nhau, đưa dự án lên bàn để xem vướng ở điều gì, khoản nào, văn bản nào và gỡ ra sao, chứ không phải mỗi bộ một báo cáo rồi đẩy hết công việc lên Thủ tướng Chính phủ. Chính các doanh nghiệp nhà nước, như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng phải đề xuất cơ chế để thực hiện nhanh các dự án đầu tư, thay vì xin cứu trợ như các doanh nghiệp tư nhân khác”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, việc tổng hợp các cách tháo gỡ vướng mắc sẽ là cơ sở để thay đổi căn bản và thực chất cơ chế, chính sách về đầu tư tới đây. “Đây là điều mà nền kinh tế cần trong dài hạn”, ông Thiên nói.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục