Gỡ rào tiếp cận tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hơn 87% dân số Việt Nam trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng nhưng đông đảo người dân “yếu thế” vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính - ngân hàng hữu ích với chi phí hợp lý.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam tại sự kiện công bố báo cáo “Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của Fintech trong phối hợp với tổ chức tín dụng”. Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam tại sự kiện công bố báo cáo “Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của Fintech trong phối hợp với tổ chức tín dụng”.

Nóng ruột

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Không phải ngẫu nhiên nhà điều hành có động thái như vậy.

Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tính đến ngày 21/11/2024, dư nợ tín dụng đạt 15.062.301 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2023. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 14 - 15% thì khoảng trống dư nợ cần điền vào sẽ là 3 - 4%.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia phân tích tài chính cho biết, nếu nhìn chỉ một tháng cuối cùng của năm cần đẩy tăng trưởng tín dụng 3 - 4% sẽ cảm giác hơi nhiều, nhưng nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,09% so với cuối năm 2022 nhưng đến 31/12/2023 vẫn đạt 13,71% sẽ thấy mọi việc không gì là không thể.

“Đâu đó có ý kiến về việc các ngân hàng xào nấu sổ sách hay tăng trưởng kỹ thuật nên sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023 và đến hết quý I/2024 mới nhúc nhích “trồi lên mặt đất” khoảng 0,3%”, vị chuyên gia nói.

Cũng theo vị này, khả năng hấp thụ vốn thấp chủ yếu do kinh tế chung còn khó khăn. Bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp, đứt gãy chuỗi kinh tế toàn cầu khiến xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức khi các đơn hàng xuất khẩu chậm.

Các động lực tăng trưởng sản xuất không cao do tiêu dùng giảm bởi thu nhập người dân giảm sút. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trầm lắng chủ yếu do những khó khăn liên quan đến pháp lý làm chậm tiến độ triển khai dự án mới, khiến nhu cầu vốn của khu vực này cũng giảm đi.

Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của một ngân hàng có vốn Nhà nước cho biết, những tuần qua, ông đi công tác liên tục nhằm đốc thúc kinh doanh, bởi sắp hết năm 2024 nhưng chỉ tiêu kinh doanh của Khối Ngân hàng bán lẻ vẫn chưa đạt được kế hoạch.

Ông Lê Hoài Ân, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp phân tích, tăng trưởng kinh tế năm nay chủ yếu là nhờ khu vực công nghiệp, nói cách khác là đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, khu vực sản xuất.

Nếu như giai đoạn 2015 - 2023, nền kinh tế Việt Nam thiên về tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng cá nhân là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng thì đến cuối năm 2023, theo ông Ân, tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm 5% trong tổng dư nợ của nền kinh tế.

“Tăng trưởng của Việt Nam trong vòng 10 năm qua chủ yếu nhờ tiêu dùng, nhưng hiện tại rất nhiều người đang phải gồng gánh khoản nợ vay mua bất động sản. Điều này cũng có nghĩa, người dân phải cắt giảm chi tiêu, theo đó, tín dụng tiêu dùng yếu dần”, ông Ân phân tích.

Xung quanh câu chuyện tăng trưởng tín dụng, ông Pramoth Rajendran, Giám đốc Khối Dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân, HSBC Việt Nam nhận định: “Nhu cầu tín dụng trong nước nói chung chưa phục hồi mạnh mẽ. Mặc dù vậy, Chính phủ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng tín dụng có chất lượng, là yếu tố rất quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững”.

Còn cán bộ khối bán lẻ một ngân hàng TMCP tư nhân cảm thán: “Đi làm vất vả nhưng đạt được mục tiêu sẽ quên ngay mệt mỏi. Còn hiện tại, đi làm quần quật mà vẫn không đạt được chỉ tiêu nên sự mệt mỏi nhân đôi và nhân ba. Tìm được một khách hàng tốt để cho vay… như mò kim đáy bể”.

Những câu chuyện này cho thấy, giải bài toán thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vốn đã khó, để tăng trưởng tín dụng có chất lượng còn khó gấp bội.

Vững chắc và an toàn

Tại sự kiện công bố báo cáo “Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của Fintech trong phối hợp với tổ chức tín dụng” do Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY) tổ chức cuối tuần qua, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tư vấn EY Việt Nam kể lại trải nghiệm chuyển tiền qua mã QR có loa thông báo chuyển tiền do Next Pay phát triển có tên là “tingbox”.

“Sản phẩm mang đến sự thú vị trong giao dịch của khách hàng và yên tâm, đảm bảo tiền đã được chuyển đúng mà không phải kiểm tra lại tài khoản của người sử dụng”, bà Dương nói.

Tăng trưởng của Việt Nam trong vòng 10 năm qua chủ yếu nhờ tiêu dùng, nhưng hiện tại rất nhiều người đang phải gồng gánh khoản nợ vay mua bất động sản. Điều này cũng có nghĩa, người dân phải cắt giảm chi tiêu, theo đó, tín dụng tiêu dùng yếu dần.

Ở một trải nghiệm khác, có thể kể đến là MoMo với siêu ứng dụng ví điện tử “All in one”, “một trạm dừng” một thời “làm mưa làm gió” nay chuyển mình thành “Trợ thủ tài chính với AI”… MoMo tập trung mang các dịch vụ tài chính đến nhóm khách hàng chưa được phục vụ - những người dùng ít có cơ hội tiếp cận với tài chính truyền thống.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo cho biết: “Người dùng tại Việt Nam, đặc biệt là nhóm unbanked và underbanked, phải đối mặt với nhiều thách thức khi tiếp cận với sản phẩm và dịch vụ tài chính - ngân hàng thông qua kênh truyền thống. Không chỉ dừng lại ở người dùng, các tổ chức tài chính truyền thống cũng phải đối diện với muôn vàn khó khăn khi đem sản phẩm đến tay khách hàng”.

Để giải quyết các rào cản trong quá trình tiếp cận sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, MoMo đã triển khai nhiều sáng kiến và giải pháp sáng tạo.

Với lợi thế tệp khách hàng lớn, với hơn 31 triệu người dùng, phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng hơn 200 dịch vụ khác nhau, hệ sinh thái của MoMo trang bị cho người dùng đầy đủ các dịch vụ từ thiết yếu như thanh toán hóa đơn, chuyển tiền đến các nhu cầu nâng cao như đầu tư hay các sản phẩm tín dụng…

Theo bà Dương, thế giới đang chứng kiến sự “cách mạng hóa” việc cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng thông qua việc phát triển các hệ thống thanh toán thuận tiện và dễ tiếp cận cùng nỗ lực nâng cao kiến thức tài chính.

Những sáng kiến này đang dần gỡ bỏ các rào cản của nhóm dân số bị hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, tập trung vào giảm thiểu chi phí, bảo vệ người dùng và hướng tới đổi mới, sáng tạo bền vững.

Đáng chú ý, trong thập kỷ qua, số lượng người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng đã giảm từ 2,5 tỷ người từ năm 2011 xuống còn 1,4 tỷ người năm 2021, đánh dấu những bước tiến đáng kể của tài chính toàn diện.

“Fintech như một chất xúc tác cho sự thay đổi, góp phần đưa lại giải pháp và truyền cảm hứng cho xu hướng hướng tới xây dựng một xã hội toàn diện hơn. Các công ty Fintech, thông qua việc phát triển những giải pháp phù hợp và tư duy đổi mới sáng tạo, đã thể hiện vai trò tích cực trên con đường mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng của mọi người dân”, bà Dương nói.

Tại Việt Nam, theo Chỉ số Tài chính toàn diện toàn cầu năm 2024 của Principal Financial Group, Việt Nam xếp hạng thứ 14 trên thế giới, chỉ sau Singapore (đứng đầu) và Thái Lan (thứ 8) trong khu vực ASEAN.

Nói cách khác, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực ASEAN cũng như trên toàn cầu về thúc đẩy tài chính toàn diện. Nhưng, bà Dương cho rằng, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để Việt Nam được coi là một quốc gia tài chính toàn diện.

“Hơn 87% dân số Việt Nam trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng nhưng đông đảo người dân “yếu thế” vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính - ngân hàng hữu ích với chi phí hợp lý”, bà Dương cho biết.

Một thực tế là phần lớn dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nơi khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng chính thống còn hạn chế. Bối cảnh tài chính còn bị hạn chế hơn nữa bởi thiếu hụt khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính - ngân hàng truyền thống do một số sản phẩm và dịch vụ vẫn phụ thuộc vào chi nhánh vật lý của ngân hàng hoặc yêu cầu hồ sơ chặt chẽ.

Trong khi đó, việc mở rộng mạng lưới chi nhánh đến các khu vực nông thôn lại gặp nhiều khó khăn do chi phí vận hành cao, nhận diện thương hiệu thấp, dân số thưa thớt và thiếu hiểu biết về tài chính, dẫn đến nhu cầu thấp. Ngoài ra, các chi nhánh nông thôn thường cung cấp ít sản phẩm hơn và đối mặt với nhiều rủi ro quản lý và vận hành.

Bà Dương nhấn mạnh: “Đâu đó sẽ có ý kiến “Fintech à, nói gì nói nhiều, nói mãi, nói lắm thế” nhưng vẫn phải nói bởi Fintech vẫn đang phát triển. Mối lương duyên giữa Fintech và các TCTD có thể ngắn hạn, có thể dài hạn nhưng không thể phủ nhận các công ty Fintech đang làm rất tốt phận sự của mình”.

Quay trở lại nút thắt thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vững chắc và an toàn, có lẽ lời giải đã phần nào được mở ra từ câu chuyện nền tảng là tài chính toàn diện và Fintech.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục