Nỗi lo công nghệ
Các số liệu được Tổng cục Thống kê cũng như các công trình khảo sát đều cho thấy, trình độ công nghệ của doanh nghiệp ta còn thấp. Ðặc biệt, trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ này là 10% tiên tiến, 38% trung bình, 52% lạc hậu và rất lạc hậu.
Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số doanh nghiệp (mặc dù số lượng doanh nghiệp công nghệ cao trong tổng số doanh nghiệp tăng từ 11,4% lên 12,68%; doanh nghiệp tư nhân tăng từ 96,5% lên 97,7% trong vài năm gần đây).
Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp này còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,2 - 0,3% doanh thu.
Có một sự thực rất đáng buồn, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nhưng đại bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân chưa sẵn sàng với cách mạng công nghiệp 4.0, chưa chuẩn bị gì để nhập cuộc.
Rất nhiều doanh nghiệp trả lời rằng “mới chỉ nghe nói trên các phương tiện truyền thông gần đây”. Những khái niệm về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano… rất xa lạ đối với họ.
Chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo vẫn yếu kém nhiều mặt (kể cả ngoại ngữ, tin học và kỹ năng làm việc nhóm...). Chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Thực tế khách quan là kinh tế tư nhân/doanh nghiệp nhỏ và vừa có xuất phát điểm chậm hơn so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước trong khu vực, phần lớn còn “non yếu” trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành thì các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy cho hệ thông liên kết kinh doanh và hệ thống sinh thái khởi nghiệp chậm được hình thành là nhân tố cản trở khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Thể chế liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung, tích tụ đất đai về cơ bản vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa thực sự thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất để cơ cấu lại cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hiện đại và công nghệ cao.
Mặc dù đã có một số mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, theo quy trình tiêu chuẩn, tuy nhiên, đại bộ phận vẫn là quy mô nhỏ, không đáng kể.
Ðáng nói là chúng ta chưa kiểm soát được thị trường bất động sản.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nhưng việc kiểm soát thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, các yếu tố làm thị trường bị thao túng luôn thường trực, thị trường luôn nóng một cách thái quá.
Với “ma lực” về thu nhập lớn hơn nhiều so với các ngành nghề khác trong xã hội, ngành bất động sản luôn hút những khoản đầu tư rất lớn từ xã hội tạo nên sự mất cân đối về tổng thể và với các ngành khác đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng kém phát triển, thiếu kết nối, vận tải đa phương thức chưa phát triển (đường sắt, đường sông, đường thủy nội địa chưa được khai thác với đúng với tiềm năng) dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam còn rất cao, chiếm tới 18% tỷ trọng GDP, cao gấp hai lần các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân của thế giới (bình quân của thế giới là 14% GDP).
Ðiều đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Gỡ nút thắt
TS. Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Trong thời gian từ nay đến năm 2030, chắc chắn, Việt Nam sẽ tiếp tục con đường hội nhập sâu rộng hơn so với hiện nay.
Dự báo, mức tăng trưởng trung bình của Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2035 là 6,1%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo (chế tác), bán buôn và bán lẻ và xây dựng tăng mạnh nhất.
Việt Nam kỳ vọng sẽ trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2035 với GDP bình quân đầu người ít nhất đạt 18.000 USD.
Với trên 50% dân số Việt Nam sống ở khu vực đô thị; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP đạt hơn 90%, đặc biệt, tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP đạt ít nhất 80%.
Qua thực tiễn các năm, có thể khẳng định các lợi ích thu được sẽ lớn hơn thách thức nếu các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện tốt năng lực và năng suất cạnh tranh. Ðây là điểm then chốt cần hướng tới.
Nhà nước cần tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng về thực chất, không phân biệt loại hình sở hữu và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia cũng như rút khỏi thị trường phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, với thông lệ và luật pháp quốc tế; gắn với tiến trình đổi mới thể chế để giải quyết bốn vấn đề chính yếu về thể chế kinh tế cho kinh tế tư nhân.
Ðó là sự thiếu đảm bảo các quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp; tồn tại nhiều rào cản gia nhập thị trường; trật tự và kỷ luật thị trường phải được đảm bảo; chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân phải căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp tư nhân là chính.
Ðể kinh tế tư nhân phát triển, cần tập trung, ưu tiên tháo gỡ giải quyết dứt điểm 15 tồn tại, hạn chế tác động không tốt đến phát triển kinh tế tư nhân theo hướng định lượng những mục tiêu, tiêu chí cụ thể phải đạt được cho từng lĩnh vực, tiến trình cho giai đoạn, mỗi giai đoạn là 2 năm. Phân quyền, giao quyền quyết và tăng cường tránh nhiệm cho người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực đó.
Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn thách thức nếu đặt nó trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và một số vấn đề bất ổn trong quan hệ thương mại EU - Trung Quốc.
Ðiều đó sẽ đem lại lợi thế về mặt xuất khẩu và thu hút vốn FDI so với Trung Quốc và Việt Nam cần phải khai thác triệt để lợi thế này bằng việc thông qua sự tập trung nguồn lực (dồn lực) để thúc đẩy nhanh và mạnh năng lực sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu hàng hóa. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 25% các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo cơ chế thông thoáng mọi mặt để hút dòng vốn FDI vào Việt Nam để khu vực này tiếp tục góp phần vào xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế (chủ động chọn nhà đầu tư theo ngành, theo lợi thế cạnh tranh lâu dài của Việt Nam); tạo ra nhiều việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi chất lượng lao động; nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế.
Tại Ðiều 32, Hiến pháp năm 2013, quyền sở hữu tài sản đã được ghi rõ ràng nhưng trên khía cạnh thực thi, khả năng bảo hộ quyền tài sản, đặc biệt là tài sản doanh nghiệp còn nhiều yếu kém.
Vì vậy, pháp luật cần phải điều chỉnh bổ sung theo hướng nâng quyền sở hữu, nắm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản của cá nhân, doanh nghiệp cao hơn.
Bởi lẽ, nếu quyền tài sản của cá nhân, doanh nghiệp được bảo hộ tốt, doanh nghiệp, cá nhân có niềm tin vào Nhà nước mạnh mẽ hơn, họ sẽ yên tâm tập trung cho kinh doanh, tích lũy nguồn vốn và tài sản, từ đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nói chung.