Nâng cao kỹ năng cho kinh tế tư nhân

Với định hướng kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao kỹ năng cho khu vực này là mục tiêu được Chính phủ và các đối tác phát triển ưu tiên tập trung.
Các ý kiến tại tọa đàm cơ bản đánh giá cao ý nghĩa và nội dung của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam. Các ý kiến tại tọa đàm cơ bản đánh giá cao ý nghĩa và nội dung của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam.

Thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hôm qua (5/12), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Tọa đàm tham vấn xây dựng Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam. Đây là sự kiện đầu tiên nhằm khởi động dự án quan trọng này.

Chia sẻ về Dự án, ông Greg Leon, Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước USAID Việt Nam cho rằng, với kỹ năng quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng suất lao động thấp, sử dụng công nghệ còn hạn chế, lạc hậu.

“Trọng tâm của dự án này là gỡ bỏ những rào cản và xây dựng năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng do phụ nữ, người dân tộc thiểu số làm chủ”, ông Greg Leon nói.

Theo đánh giá của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sơ bộ, Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu cơ sở kinh doanh của khu vực tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Mặc dù năng suất lao động của khu vực này còn thấp so với các khu vực khác, nhưng tốc độ tăng ở mức khá so với các khu vực còn lại.

Với định hướng phát triển khu vực tư nhân theo hướng bền vững, Việt Nam đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm giúp các doanh nghiệp tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững, trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng kỳ vọng, khi Dự án đi vào hoạt động, sẽ phục vụ tốt nhất cho khối doanh nghiệp tư nhân, đóng góp cho sự phát triển bền vững, lành mạnh của khu vực vốn rất năng động, đang có nhu cầu phát triển mạnh mẽ.

Cần chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh

Thảo luận về dự án trên, các ý kiến tại tọa đàm cơ bản đánh giá cao ý nghĩa và nội dung của Dự án, đặc biệt là mục tiêu xây dựng các kỹ năng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để cải thiện năng suất và hiệu quả, đồng thời cải thiện áp dụng đổi mới công nghệ, nhân rộng các thông lệ tốt để vận hành các mô hình kinh doanh bền vững.

Theo bà Nguyễn Ngọc Ý, đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân TP. Hà Nội, dù đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song mỗi doanh nghiệp có quy mô, trình độ khác nhau, nên cần phân loại và xây dựng chương trình cho từng nhóm đối tượng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi khởi nghiệp cũng gặp những vướng mắc về phong tục địa phương, vốn, nhân lực… Do đó, để thành công, thì ngoài hỗ trợ tài chính, nhân lực, còn cần có sự kết hợp của các cơ quan, ban, ngành, địa phương để có bước đi dài hơi.

Một mục tiêu quan trọng, thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu là cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực tư nhân.

Theo các ý kiến tại tọa đàm, dù về mặt chính sách pháp luật, các khu vực kinh tế hiện nay là bình đẳng, song chưa đảm bảo yếu tố này trong thực thi. Nhiều ý kiến đồng quan điểm, nếu môi trường kinh doanh không có sự bứt phá quyết liệt hơn và đổi mới thực chất hơn, thì rất khó cho doanh nghiệp phát triển.

Thảo luận về nội dung này, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HAPI) cho rằng, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ mà Chính phủ đã đề cao và thực thi trong nhiều năm qua.

Ông Quân đề xuất các giải pháp bao gồm cải cách hành chính về thuế, tiếp cận tín dụng, cắt giảm chi phí không chính thức. Đồng thời, cần tạo sự kết nối giữa các cơ quan hỗ trợ, hiệp hội và doanh nghiệp, tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu như cần có khung pháp lý thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh thị trường kinh doanh không ngừng thay đổi.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, trong quá trình Việt Nam tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn nữa, dự án này sẽ góp phần giúp Việt Nam tháo gỡ những rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục