Theo tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), sau một thời gian các doanh nghiệp Mỹ gửi đơn kiện cáo buộc sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu bán phá giá tại Mỹ, cách đây ít ngày, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã nhận được thông tin về việc DOC khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam.
Theo thống kê, xuất khẩu sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ năm 2019 đạt 309 triệu USD. Hiện tại, sản phẩm này của Trung Quốc cũng đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98% đến 194,9%.
Điều đáng nói, gỗ dán cũng chính là 1/12 sản phẩm Bộ Công Thương đã cảnh báo từ tháng 7/2019 trong Danh sách các sản phẩm có nguy cơ bị khởi kiện phòng vệ thương mại trong khuôn khổ Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 (Đề án 824).
Trên cơ sở cảnh báo của Bộ Công Thương, các Bộ, Ngành, địa phương đã chủ động triển khai việc tăng cường giám sát, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gỗ dán. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT về việc tạm dừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ.
Ngay sau khi nguyên đơn gửi đơn kiện từ tháng 2 năm 2020, Bộ Công Thương đã triển khai các công tác để xử lý vụ việc, bao gồm cả việc trao đổi, thảo luận, tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các Hiệp hội liên quan về quy trình, thủ tục điều tra của Hoa Kỳ để các doanh nghiệp chủ động có kế hoạch xử lý và đã trao đổi chính thức với phía Mỹ về vấn đề này.
Bộ Công Thương cũng đã có hình thức trao đổi với Mỹ cả ở cấp kỹ thuật và cấp cao về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc rà soát, theo dõi và trao đổi thông tin về các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, bao gồm cả điều tra chống lẩn tránh, chuyển tải bất hợp pháp.
Để xử lý hiệu quả vấn đề này, tránh thiệt hại cho ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán liên quan của Việt Nam tham gia hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Mỹ trong suốt quá trình điều tra vụ việc.
Theo quy định của Mỹ, nếu các doanh nghiệp chứng minh được nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ có xuất xứ Việt Nam hoặc từ các nước khác (không phải Trung Quốc) có thể sẽ không bị coi là có hành vi lẩn tránh.
Được biết, hiện nguồn nguyên liệu gỗ thu hoạch tại Việt Nam hàng năm đủ để sản xuất 8,4 triệu m3 gỗ dán, trong khi tổng lượng xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam năm 2019 là 2,5 triệu m3, bởi vậy, Việt Nam có đủ năng lực cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất gỗ dán.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hiệp hội liên quan để cùng xử lý vụ việc với mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các Bộ/ngành triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án 824 nói trên để xử lý các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp.