Gỗ An Cường (ACG) muốn tăng vốn, chuyển sang niêm yết sàn HOSE

0:00 / 0:00
0:00
Tân binh sàn UPCoM sắp họp ĐHĐCĐ bất thường bàn chuyện chuyển sàn. An Cường có kế hoạch tăng vốn mới, dù từng lên phương án mua lại cổ phiếu và giảm vốn điều lệ.
Gỗ An Cường đã đưa cô phiếu lên sàn sau ba năm trở thành công ty đại chúng Gỗ An Cường đã đưa cô phiếu lên sàn sau ba năm trở thành công ty đại chúng

Công ty cổ phần Gỗ An Cường (mã ACG- UPCoM) vừa quyết định tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021. Danh sách cổ đông nhận quyền tham dự cuộc họp sẽ được chốt ngày 29/9/2021.

Theo thông tin đến thời điểm hiện tại, Gỗ An Cường dự kiến bàn về phương án chi trả cổ tức năm 2021, phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ, chuyển cổ phiếu ACG đang đăng ký giao dịch trên UPCoM sang niêm yết tại HoSE và các nội dung khác.

Chỉ hơn một tháng trước, vào đầu tháng 8, hơn 87,6 triệu cổ phiếu ACG đã giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 90.000 đồng/cp, tương đương mức định giá 7.884 tỷ đồng. Giá cổ phiếu đã tăng khá nhanh và hiện giao dịch tại mức giá 119.000 đồng/cổ phiếu. Gỗ An Cường trở thành công ty đại chúng từ tháng 5/2018 sau đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, qua đó nâng số lượng cổ đông lên 300 người.

Tại thời điểm lên sàn, số lượng nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ACG cũng chỉ quanh 300 tổ chức/cá nhân. Trong đó, cổ đông lớn nhất của công ty là Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam (sở hữu hơn 50% vốn). Đây cũng là công ty liên quan của ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT của Gỗ An Cường.

Ông Nghĩa đang đại diện sở hữu cho Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam 43,8 triệu cổ phiếu cổ phiếu ACG và trực tiếp nắm giữ cá nhân 142.041 cổ phiếu. Giá trị số tài sản chứng khoán này hiện có trị giá hơn 7.300 tỷ đồng. Ngoài ra, hai cổ đông ngoại gồm Whitlam Holding Pte. Ltd và Sumitomo Forestry (Singapore) Ltd với tỷ lệ sở hữu lần lượt 18,06% và 19,51%. Các cổ đông khác nắm 12,29% vốn điều lệ.

Công ty chưa nêu cụ thể phương thức tăng vốn dự kiến trình cổ đông. Đây có thể là đợt phát hành riêng lẻ, chào bán ra công chúng hoặc cho cổ đông hiện hữu và cũng có thể phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu thông qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng. Đáng chú ý, Gỗ An Cường vừa thông qua kế hoạch mua cổ phiếu và giảm vốn điều lệ tại cuộc họp thường niên tổ chức cuối tháng 5/2021.

Trừ việc mua cổ phiếu ESOP từ cán bộ nhân viên, một số trường hợp khiến công ty không được mua cổ phiếu của chính mình như đang trong quá trình chào bán, phát hành cổ phiếu để huy động thêm vốn hay vừa kết thúc đợt chào bán, phát hành cổ phiếu để tăng vốn không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, phát hành. Việc triển khai chào bán cổ phiếu mới có thể ảnh hưởng đến kế hoạch mua cổ phiếu quỹ đã phê duyệt.

Gỗ An Cường hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chế biến gỗ với sản phẩm ván đang nắm thị phần lớn. Công ty cho biết đang nắm hơn 50% thị phần các thương hiệu ván MFC và 70% thị phần các thương hiệu ván laminate, ván acrylic và các phụ phẩm. Nửa đầu năm 2021, công ty thu về 1.709 tỷ đồng doanh thu và 237 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi doanh thu chỉ tăng 5,8%, lợi nhuận nửa đầu năm đã tăng tới 42,7% so với cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu đạt 4.872 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 12% lên 551 tỷ đồng, con số lợi nhuận cũng đã hoàn thành được 43%.

Đến cuối quý II/2021, quy mô tài sản của Gỗ An Cường đã tăng 10% lên 4.880 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn của công ty phụ thuộc chính vào vốn chủ sở hữu với tỷ lệ vay chưa đến 26%. Các khoản vay ngân hàng ngắn hạn chi hơn 600 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền gửi ngân hàng của công ty dù giảm 300 tỷ so với đầu năm vẫn xấp xỉ 1.381 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Gỗ An Cường đã đầu tư khá mạnh tay vào lĩnh vực bất động sản. Công ty góp 119 tỷ đồng để sở hữu 12,97% vốn Tập đoàn bất động sản Thắng Lớn. Ngoài ra, công ty cũng đặt cọc hơn 285 tỷ đồng để mua bất động sản thuộc dự án Novaworld Phan Thiết. Đây là hợp đồng đặt cọc theo quyền chọn mua. Vào tháng 3/2023, nếu không thực hiện quyền chọn mua, công ty sẽ được hoàn lại gốc kèm khoản lãi 13%/năm.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục