Soi “đại gia” Gỗ An Cường trước khi lên sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường UPCoM sẽ đón thêm tân binh - một “đại gia” trong lĩnh vực gỗ nhân tạo - CTCP gỗ An Cường kể từ ngày 4/8 sắp tới.
Soi “đại gia” Gỗ An Cường trước khi lên sàn

Cụ thể, theo kế hoạch, ngày 4/8/2021, hơn 87,6 triệu cổ phiếu của Gỗ An Cường sẽ lên giao dịch trên UPCoM với mã ACG. Giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 90.000 đồng/CP, tương ứng mức định giá lên tới 7.884 tỷ đồng.

Ông lớn kín tiếng

Là tên tuổi lớn, với thương hiệu được phổ cập rộng rãi, hoạt động đầu tư ra phạm vi cả trong nước và quốc tế, tuy nhiên, do chiến lược tập trung hoạt động theo mô hình B2B, thông tin về Gỗ An Cường xuất hiện khá ít trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ yếu được cung cấp qua website công ty và hình ảnh gian hàng tại các hội chợ, triển lãm thường niên Vietbuild các năm.

Thông tin lịch sử thành lập doanh nghiệp cũng như các thông số về tài chính mới chỉ được hé lộ gần đây sau thông tin doanh nghiệp này nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên UPCoM tới Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Từ đơn vị phân phối về nội thất, ra đời từ năm 1994, sau 27 năm, An Cường trở thành một trong nhiều nhà sản xuất lớn tại Việt Nam về vật liệu, giải pháp và nội thất từ gỗ công nghiệp với nhà máy sản xuất rộng gần 240.000 m2 tại Bình Dương.

Trước năm 2014, gỗ An Cường chủ yếu ở thị trường phía Nam, sau đó mới chuyển đổi mô hình sang Công ty cổ phần và bắt đầu mở rộng thị phần theo cùng với nhịp hồi phục của thị trường bất động sản, xây dựng sau giai đoạn khủng hoảng thị trường trước đó.

Tại hội thảo trực tuyến “Giới thiệu CTCP Gỗ An Cường và cổ Phiếu ACG” diễn ra ngày 17/6, đại diện doanh nghiệp cho biết, Gỗ An Cường hiện đang chiếm tới 55% thị trường nguyên liệu gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí tại Việt Nam (phân khúc thị trường trung và cao cấp). Song song đó, Gỗ An Cường còn thường được biết đến với việc sở hữu thương hiệu thiết bị bếp cao cấp Malloca (từ 2004) và hàng nội thất rời Aconcept (từ 2017).

Một số thương hiệu do ACG sở hữu. Nguồn: ACG

Một số thương hiệu do ACG sở hữu. Nguồn: ACG

Từ 2014 đến nay, Gỗ An Cường đã 9 lần tăng vốn điều lệ, từ 120 tỷ đồng lên tới hơn 876,5 tỷ đồng hiện nay. Các đợt tăng vốn cấp tập nhất của Gỗ An Cường vào giai đoạn 2015 - 2016, theo cùng sự xuất hiện của các cổ đông chiến lược trong nước và nước ngoài. Trong đó, 2 khoản đầu tư lớn nhất là 28 triệu USD từ liên doanh giữa VinaCapital - DEG (Đức) và trên 58 triệu USD từ Tập đoàn Sumitomo Forestry (Nhật Bản).

Tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản và xây dựng trong nước và vị thế thị trường của Gỗ An Cường là lý do các nhà đầu tư chiến lược này tham gia đồng hành cùng với doanh nghiệp này. Tuy vậy, dường như 2 khoản đầu tư của 2 nhà đầu tư chiến lược này được đánh giá chưa thực sự đạt được hiệu quả quá lớn như mong đợi.

Trong đó so với mức giá chào sàn là 90.000 đồng/CP khoản đầu tư của liên doanh VinaCapital - DEG theo ước tính tăng trưởng chưa đến 25% trong 5 năm (tính theo mức giá cổ phiếu mua vào 74.138 đồng/CP), tương ứng chưa đến 5%/năm, thấp hơn nhiều mức tăng của VN-Index và nhiều cổ phiếu khác trong danh mục đầu tư của VinaCappital.

Bên cạnh đó, mức giá chào sàn của Gỗ An Cường vào ngày 4/8 tới đây cũng thấp hơn nhiều so với mức giá cổ phiếu mà Sumitomo Forestry đã mua vào (2 đợt, 1 đợt gần 140.000 đồng/cổ phiếu năm 2017 và 1 đợt gần 114.000 đồng/cổ phiếu năm 2019) tương ứng khoản đầu tư 58 triệu USD.

Báo cáo tài chính cho thấy, riêng trong 2017 - 2020, doanh thu của Gỗ An Cường tăng trưởng khá đều đặn, phản ánh nhịp đập chung của thị trường bất động sản cả trong nước và một số các quốc gia lân cận, thị trường xuất khẩu chính của Gỗ An Cường. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp này không quá đột biến, và thậm chí có thiên hướng giảm.

Kết quả kinh doanh năm 2017-2020 của ACG. Đơn vị: Tỷ đồng

Kết quả kinh doanh năm 2017-2020 của ACG. Đơn vị: Tỷ đồng

Cụ thể, doanh thu thuần gỗ An Cường tăng từ hơn 3.183,5 tỷ đồng năm 2017 lên 3.872,9 tỷ đồng năm 2018 và 4.434,5 tỷ đồng năm 2019 trước khi giảm nhẹ về 3.753,6 tỷ đồng năm 2020 (năm 2020 là bị ảnh hưởng bởi Covid-19).

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lại giảm từ 515,3 tỷ đồng năm 2017 về 505,1 tỷ đồng năm 2018, năm 2019 là 486,3 tỷ đồng, năm 2020 là 491,9 tỷ đồng. Năm 2021, lũy kế 6 tháng đầu năm chưa có con số doanh thu chính thức, tuy nhiên, theo báo cáo gửi HNX, ước tính lợi nhuận sau thuế của Gỗ An Cường đạt 237,4 tỷ đồng, tăng khoảng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021... còn nhiều thách thức

Tại cuộc họp Analyst Meeting hồi tháng 6, Gỗ An Cường đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu gần 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức xấp xỉ 600 tỷ đồng. Về dài hạn, ACG định hướng doanh thu đến 2025 sẽ gấp đôi so với mức đạt được trong 2020, thời điểm Công ty chạy tối đa công suất 2 nhà máy.

Tuy nhiên, việc biến thể Delta của Covid-19 bùng phát trên diện rộng vào đầu tháng 7/2021 khiến nhiều tỉnh thành phía Nam và một số tỉnh phía Bắc (trong đó có Hà Nội), là các thị trường chính của Gỗ An Cường - đã phải thực hiện việc giãn cách xã hội, được dự báo ảnh hưởng tới công tác sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, “bão” giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh, ảnh hưởng tới tiến độ nhiều dự án bất động sản (phần lớn phải lùi lại) và kế hoạch triển khai của các nhà thầu xây dựng sẽ là thách thức lớn cho các kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Gỗ An Cường.

Cũng cần lưu ý thêm, Gỗ An Cường có lợi thế khi sử dụng chủ yếu nguồn nguyên vật liệu trong nước với ván dăm PB và MDF đều có nguồn cung cấp phong phú trong nước, ngoại trừ ván ép Plywood 95% phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, cũng giống nhiều doanh nghiệp ngành gỗ khác đang gặp phải, dù có thâm niên nhiều năm phát triển và là doanh nghiệp đầu ngành, Gỗ An Cường vẫn chưa tận dụng được lợi thế, từ đó nâng cao hiệu quả tỷ suất biên lợi nhuận hàng năm.

Ngoài ra, các sản phẩm ván MFC, ván Laminate, ván Acrylic và các phụ phẩm khác, Gỗ An Cường cũng đối mặt với sự cạnh tranh không nhỏ từ nhiều nhà sản xuất khác trong nước. Một số nhà sản xuất như VRG Dongwha, doanh nghiệp liên doanh giữa Dongwha International của Hàn Quốc và Tập đoàn cao su Việt Nam trong năm nay cũng lên kế hoạch nâng cấp công suất nhà máy để gia tăng thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường.

Khánh Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục