Để cải thiện tình trạng này, chuyên gia WB đã đưa ra nhiều khuyến nghị.
“Ở những TTCK phát triển, NĐT nhỏ lẻ được bảo vệ rất tốt…”
Bà Nadine Abi Chakra, Chuyên gia Nhóm Doing Business của WB cho biết như vậy tại Hội thảo “Triển khai Nghị quyết số 19: Cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 17/3.
Trả lời câu hỏi mà giới đầu tư đặt ra là tại nhiều quốc gia, chứ không riêng gì Việt Nam, tại sao bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ lại quan trọng, bà Nadine Abi Chakra cho biết, thực tiễn cho thấy, ở những nước mà NĐT nhỏ lẻ không được bảo vệ tốt, thì thị trường tài chính khó phát triển, khó trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho DN. Ngược lại, càng ở những thị trường tài chính phát triển, họ càng coi trọng việc bảo vệ NĐT nhỏ lẻ. Điều này tạo động lực khuyến khích NĐT nhỏ lẻ tự tin hơn khi bỏ vốn đầu tư vào DN. Tại hầu hết các quốc gia, có sự tương đồng về quyền lợi của cổ đông ở các DN niêm yết và các DN chưa niêm yết. Theo đó, cổ đông DN chưa niêm yết có thể bãi nhiệm thành viên HĐQT trước khi hết nhiệm kỳ. Công ty phải có sự chấp thuận của cổ đông mới được phát hành cổ phiếu mới. Việc bổ nhiệm và bãi nhiệm kiểm toán viên độc lập phải được sự chấp thuận của cổ đông...
Bộ chỉ số bảo vệ NĐT nhỏ lẻ được WB công bố hàng năm trong Báo cáo môi trường kinh doanh. Bộ chỉ số này đo lường các hệ số: mức độ công khai thông tin của DN, phạm vi trách nhiệm pháp lý của thành viên HĐQT, thủ tục khiếu kiện của cổ đông…
Trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2015 của WB, hệ số thủ tục khởi kiện của cổ đông tại các DN ở Việt Nam chỉ đạt 1/10 điểm, hệ số phạm vi trách nhiệm pháp lý của thành viên HĐQT đạt 3/10 điểm…
Khuyến nghị cho Việt Nam
Các chuyên gia của WB cảnh báo, nếu Việt Nam chậm trễ trong cải thiện chỉ số bảo vệ NĐT nhỏ lẻ, thì vừa khó thu hút dòng vốn nước ngoài tham gia TTCK, vừa khó khích lệ nguồn vốn trong nước đầu tư nhiều hơn vào DN, mà sẽ tiếp tục tìm đến kênh gửi tiết kiệm như hiện nay.
“Muốn cải thiện thứ hạng cho chỉ số bảo vệ NĐT nhỏ lẻ đang ở vị trí thấp hiện tại, nếu Việt Nam chỉ sửa Luật Doanh nghiệp thôi chưa đủ, mà quan trọng là cần khẩn trương sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự…”, bà Nadine Abi Chakra khuyến nghị.
Theo đó, việc sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm mở rộng phạm vi phải chịu trách nhiệm đối với các thành viên HĐQT khi để xảy ra các giao dịch có vi phạm; yêu cầu thành viên HĐQT có trách nhiệm trực tiếp hoàn trả khoản lợi nhuận thu được từ giao dịch có vi phạm, sau khi nguyên đơn (cổ đông) khởi kiện đòi bồi thường thành công; cho phép tòa án xóa bỏ hiệu lực của giao dịch có vi phạm, hoặc có gây tổn thất sau khi bên nguyên đơn (cổ đông) khởi kiện đòi bồi thường thành công; cho phép bên nguyên đơn thu thập các chứng từ và thông tin (từ bên bị đơn và nhân chứng) liên quan đến nội hàm yêu cầu đòi bồi thường của bên nguyên đơn, hoặc có thể gợi mở các thông tin liên quan trong quá trình xét xử…
Đối chiếu những đòi hỏi trên với hệ thống pháp luật hiện hành, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cho rằng, việc bảo vệ NĐT nhỏ lẻ sẽ được cải thiện khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 sắp tới. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chỉ số bảo vệ NĐT nhỏ lẻ, cần sớm sửa đổi Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng bổ sung các nội dung về trình tự, thủ tục của cơ chế khởi kiện phái sinh. Dẫu vậy, đổi mới về cơ chế, tự thân nó không tạo ra bước cải cách trong bảo vệ cổ đông, điều rất quan trọng là cổ đông hãy tích cực sử dụng tối đa các quyền mà pháp luật trao cho, để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích mà đáng ra mình được hưởng, đây vốn là điều đang rất yếu.
“Bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ không phải là trao cho họ nhiều hơn quyền mà đáng ra họ được hưởng tương đương với số tiền họ góp vào DN. Ở đây là bảo vệ quyền và lợi ích mà các cổ đông đáng được hưởng, không bị chiếm đoạt bởi hai đối tượng trong DN thường có xu hướng lạm dụng vị trí, quyền hạn của họ là cổ đông lớn và người quản lý DN...”, ông Hiếu nói.
Kết quả nghiên cứu của WB tiến hành trên 539 công ty lớn tại 27 quốc gia cho thấy, các công ty ở quốc gia có cơ chế bảo vệ NĐT tốt hơn sẽ được định giá cao hơn so với các quốc gia không có cơ chế bảo vệ NĐT hiệu quả. Các quốc gia có cơ chế bảo vệ NĐT hiệu quả hơn, thì đầu tư vào các công ty ít bị ảnh hưởng bởi các rào cản về mặt tài chính, nên doanh thu và lợi nhuận tăng nhanh hơn. |