Tại đây, nhiều ý kiến được đưa ra hướng tới việc mang lại sự thuận lợi cho người tham bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy (tạm gọi tắt là bảo hiểm bắt buộc xe máy) .
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, không phải đến giờ mà từ trước, Hiệp hội và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã có nhiều cuộc họp trên tinh thần “cầu thị và lắng nghe ý kiến khách hàng”, cùng trao đổi, phân tích tình hình thực tế để có những giải pháp hiệu quả , thiết thực hơn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
“Không ai tham gia bảo hiểm để mong xảy ra rủi ro để được chi trả. Nhưng với trường hợp đã tham gia bảo hiểm và chẳng may xảy ra rủi ro sau đó thì Hiệp hội đều mong người tham gia bảo hiểm được hưởng quyền lợi bồi thường kịp thời nhất từ các doanh nghiệp bảo hiểm, chứ không phải khuyến khích người dân mua bảo hiểm để đấy, cho có, để đối phó.Bản chất loại hình bảo hiểm bắt buộc này là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nạn nhân tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra bao gồm cả xe máy, trong mọi trường hợp đều nhận được quyền lợi bồi thường từ công ty bảo hiểm, tính nhân văn của bảo hiểm là ở chỗ đó”, Tổng thư ký IAV chia sẻ.
TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng cho biết, chương trình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới (bao gồm cả xe máy lẫn ô tô) ra đời là nhằm bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra và hiện được hầu hết các quốc gia áp dụng (như Nhật Bản, Thái Lan ...). Nhờ có bảo hiểm đã có một nguồn để chi trả cho các vụ tai nạn giao thông xảy ra do xe máy và kịp thời cho các nạn nhân tai nạn giao thông do xe máy gây ra, giúp nhanh chóng khắc phục những tổn thất về người mà không phụ thuộc vào việc người chủ xe máy đó có khả năng chi trả hay không.
Ông Minh cho rằng, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, phương tiện cơ giới luôn luôn được xem là nguồn nguy hiểm, thậm chí là nguồn nguy hiểm cao độ, kể cả đối với xe máy khi đi với tốc độ cao, nên để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới thì cần duy trì chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới, trong đó có cả ô tô và xe máy; để đảm bảo các chủ xe khi mua bảo hiểm sẽ được bảo hiểm chi trả cho các hậu quả mà họ có thể gây ra khi tham gia giao thông.
Theo Bộ Tài chính, môtô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện giao thông chủ yếu (khoảng 72 triệu xe môtô, xe máy đã được đăng ký) và nguồn gây tai nạn lớn nhất ở Việt Nam, chiếm khoảng 63% số vụ tai nạn giao thông. Bởi vậy, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới gồm môtô, xe máy là một giải pháp bảo đảm tài chính cho chủ xe với chi phí thấp (55.000 - 60.000 đồng) và mức trách nhiệm bồi thường cao (lên đến 150 triệu đồng). Khi không may xảy ra tai nạn, có nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, phải nằm viện không thể bồi thường cho nạn nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả cho người bị tai nạn.
Trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc xe tham gia bảo hiểm thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm các nạn nhân cũng được hưởng hỗ trợ nhân đạo từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Đây chính là ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm bắt buộc này. Quỹ bảo hiểm thực hiện chi nhân đạo cho các nạn nhân trong cả nước.
Mới đây Quỹ bảo hiểm xe cơ giới – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã trao hỗ trợ nhân đạo cho gia đình các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Lạng Sơn, Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Kontum và Gia Lai, số tiền chi hỗ trợ nhân đạo là: 45 triệu đồng/1 người/1 vụ. Dù số tiền còn nhỏ nhưng phần nào là sự động viên, chia sẻ đối với người thân của các nạn nhân.
Còn đối với các xe đã tham gia bảo hiểm bắt buộc xe máy, các DNBH thời gian qua cũng đã chi trả bảo hiểm bắt buộc xe máy lên tới tiền tỷ và đang nỗ lực cải tiến các bước chi trả bảo hiểm, ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời hơn, thuận tiện hơn.
Đơn cử như BSH, tổng số vụ bồi thường tính đến 26/10/2022 là 20 vụ với tổng số tiền chi trả lên đến hơn 1,4 tỷ đồng, có trường hợp bồi thường lên đến 150 triệu đồng. Gần đây đã bồi thường cho nạn nhân 2 vụ (75 triệu đồng ngày 13/5/2022 và 100 triệu đồng hôm 1/10/2021). Một số nhà bảo hiểm như PTI thì cam kết chi trả bồi thường cho khách hàng trong vòng 24h kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ bồi thường, có doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng để hoàn thiện hồ sơ xác nhận của các cơ quan chức năng...
Nguồn hỗ trợ bảo hiểm lẫn ngoài bảo hiểm kể trên là sự động viên, chia sẻ đối với người thân của các nạn nhân. Tính đến hết tháng 9/2022, riêng trong mảng bảo hiểm xe cơ giới, các công ty bảo hiểm đã bồi thường 562 tỷ đồng.
Giúp chi trả bảo hiểm xe máy nhanh gọn hơn thay vì bãi bỏ
Trước những băn khoăn về số tiền chi trả đối với bảo hiểm xe máy bắt buộc còn khiêm tốn, nhiều ý kiến cho rằng cần có những tổng hợp, đánh giá nghiêm túc để biết được có phải số liệu tổn thất ít hay số lượng tai nạn giao thông nhiều nhưng bồi thường ít, từ đó đưa ra giải pháp gỡ khó, giúp chi trả bảo hiểm nhanh gọn hơn thay vì bãi bỏ quy định này.
Bởi trên thực tế, như Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, lâu nay, ai cũng kêu khó đòi bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc, thậm chí kêu gọi xóa sổ loại hình bảo hiểm này, nhưng đi ngược với đám đông, vẫn có quan điểm cho rằng dễ.
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair- tổ chức từng đã hỗ trợ hàng trăm ca đòi bảo hiểm xe máy bắt buộc nói riêng, xe cơ giới nói chung suốt thời gian qua cho biết: “Thủ tục đòi bảo hiểm đơn giản, việc đầu tiên ngay sau khi xảy ra tai nạn xe là mở ngay giấy chứng nhận bảo hiểm ra, gọi số hotline của công ty bảo hiểm, thủ tục bồi thường bảo hiểm này đã được đơn giản hóa nhiều, trường hợp không có người tử vong thì không cần hồ sơ công an như trước, giúp việc đòi bồi thường bảo hiểm trở nên dễ dàng hơn, nhưng vấn đề nằm ở chỗ người tham gia bảo hiểm có đi đòi bảo hiểm không. Do đó, muốn được công ty bảo hiểm bồi thường thì chủ xe phải tự tìm hiểu quy định pháp luật để đi đòi. Sẽ không có công ty bảo hiểm nào tự nguyện mang tiền đến đền bù nếu chủ xe không làm các thủ tục đòi bồi thường”.
Dưới góc nhìn nhân văn, ông Xuân cùng một số chuyên gia khác cũng cho rằng, nếu người mua hiểu quyền lợi và biết đòi, công ty bảo hiểm biết nghĩ cho khách hàng (giúp chi trả bảo hiểm nhanh gọn) chắc chắn số ca được chi trả bảo hiểm sẽ tăng vọt. Do đó, điều cần quan tâm ở đây là cần tuyên truyền thật tốt để người dân hiểu rõ hơn về sản phẩm bảo hiểm bắt buộc xe máy, ngay từ khi bán sản phẩm này cũng cần chủ động hướng dẫn chi tiết người mua cách đòi bảo hiểm khi xảy ra tai nạn.
Những tranh cãi về việc bãi bỏ hay tiếp tục cũng đã được đặt lên bàn đại biểu quốc hội khi thảo luận nhưng cuối cùng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 vẫn quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những loại hình bảo hiểm bắt buộc nên theo các chuyên gia giờ là lúc tìm cách giúp chi trả bảo hiểm nhanh gọn hơn thay vì bãi bỏ quy định này.