Giúp CEO bớt những tiếng thở dài

Thị trường thu hẹp, kinh doanh khó khăn, lại thêm phải thường xuyên giải quyết các mâu thuẫn nội bộ trong doanh nghiệp khiến nhiều khi, các CEO phải buông một tiếng thở dài.
Giúp CEO bớt những tiếng thở dài

Đó thực ra không phải nỗi lo của một cá nhân, mà gần như là nỗi lo thường trực của nhiều CEO các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) hiện nay. “Hàng tồn kho vẫn lớn, hàng bán chậm, bạn hàng nợ tiền chậm trả, trong khi nhân viên thì không chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi cá nhân, khiến chúng tôi quá mệt mỏi”, chủ một doanh nghiệp ở TP.HCM cho biết.

Theo vị CEO này, từ năm 2008 trở lại đây, khi kinh tế khó khăn, các SME gặp muôn vàn khó khăn. Hàng trăm doanh nghiệp đã phải giải thể, ngừng hoạt động. Số còn tồn tại, không ít cũng trong tình trạng ngắc ngoải, luôn vật lộn với suy nghĩ có nên để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động hay không.

“Thực sự là chúng tôi chịu quá nhiều áp lực trong kinh doanh. Đã thế, người lao động trong công ty, lúc đòi thưởng, khi dọa nghỉ việc nếu không được đáp ứng các yêu cầu của họ. Nhiều khi tiến thoái lưỡng nan, không biết phải xử lý thế nào cho vẹn cả đôi đường”, một vị CEO khác ở TP. Đà Nẵng ngán ngẩm nói.

Nghe vị CEO kể chuyện, mới thấu hiểu nỗi khó khăn trong “đoạn trường” kinh doanh của các doanh nhân. Càng hiểu càng thông cảm cho họ và chợt nghĩ, các doanh nghiệp “nhà mình” có lẽ rất cần từ sự hỗ trợ của cộng đồng, của các chuyên gia để họ có thể vững vàng hơn trong bước đường kinh doanh của mình, thậm chí là để có thể chuyên nghiệp hơn trong cách xử lý với những vấn đề nội bộ của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Kỹ năng quản trị kinh doanh còn yếu, thậm chí chưa thoát ra được tư tưởng ‘tiểu nông’ nên có thể trong xử lý mâu thuẫn trong doanh nghiệp, còn non kém về kinh nghiệm”, một vị CEO “lão làng” đã bình luận như vậy.

Hỗ trợ họ như thế nào? Câu trả lời dường như đã có, khi một ngày được biết, trên VTV1 đang phát sóng Chương trình CEO Chìa khóa thành công phiên bản SME 2014, chương trình mà ở đó các CEO và các vị khách mời sẽ cùng biện giải, tranh luận về một tình huống nào đó vốn thường xảy ra trong các doanh nghiệp SME.

Chỉ vừa tuần trước, Chương trình đã bàn về chuyện “Người lao động - Đòi hỏi quyền lợi”. Mới chỉ là phần 1, với các tranh luận giữa CEO và các nhân viên của mình về việc có nên ứng trước thưởng cho nhân viên hay không, mà đã gây được sự chú ý của dư luận. Thậm chí, các thảo luận về chương trình được bàn luận trên bàn cà phê sáng, trên cả faebook của chương trình. Sôi nổi lắm.

Chuyện kể rằng, tại một doanh nghiệp thương mại, phòng kinh doanh được giao một dự án kinh doanh quan trọng. Sau một thời gian chuẩn bị, Trưởng phòng Kinh doanh đã đưa ra một kế hoạch triển khai bảo đảm thành công của dự án, với doanh số và lợi nhuận thực sự khả thi. Tiếp đó, Trưởng phòng Kinh doanh đề xuất luôn chế độ thưởng dự án cho bản thân và các thành viên tham gia dự án.

CEO của công ty đồng ý với đề xuất thưởng. Đồng thời, giao cho kế toán tính toán chi tiết mức thưởng phù hợp để ra quyết định chính thức. Tuy nhiên, trước thời điểm triển khai kế hoạch khoảng 2 tuần, khi quyết định thưởng và mức thưởng chính thức chưa được công bố, Trưởng phòng Kinh doanh xin CEO cho ứng trước khoản tiền thưởng dự án, lý do là để thu xếp khó khăn trong cuộc sống và tập trung thực hiện thành công dự án.

Trước đề nghị của Trưởng phòng Kinh doanh, CEO đề xuất giải pháp cho vay bằng tiền cá nhân. Tuy nhiên, Trưởng phòng Kinh doanh không hài lòng vì cho rằng, CEO không thừa nhận tài năng, công lao và những đóng góp của mình với công ty và xin rút khỏi dự án.

CEO khăng khăng quan điểm của mình, rằng không thể ứng thưởng trước được. Nhân viên cũng thế. Phải được ứng trước thưởng, nếu không, sẽ rời khỏi dự án. Kết thúc chương trình, cả hai vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Mâu thuẫn vẫn đang ở mức đỉnh điểm.

Khi mâu thuẫn chưa được giải quyết, thì dư luận lại có những quan điểm rất trái chiều về cách hành xử của CEO. Người ủng hộ CEO thì nói rằng, dự án chưa xong đã đòi tiền thưởng là chuyện không thể chấp nhận được. Cứ cho thôi việc, vì chẳng thiếu nhân tài. Kẻ không đồng tình thì bảo, CEO quá cứng nhắc. Đó là đòi hỏi rất chính đáng của vị Trưởng phòng Kinh doanh.

Cũng là khi mâu thuẫn chưa được giải quyết, một cách cầu thị, vị CEO đã cầu viện đến các chuyên gia. Phần 2 của Chương trình, phát sóng trên kênh VTV1 vào 10 giờ sáng Chủ nhật (20/4) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (21/4) sẽ là cuộc đối thoại thú vị giữa CEO và các “tư vấn viên” của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam, vị CEO vừa nhắc đến ở trên, có lẽ, sẽ tìm được kế sách hay để giải quyết những mâu thuẫn nội bộ trong doanh nghiệp khi xem chương trình. Ở “ngoài cuộc” nhìn vào, bao giờ cái nhìn cũng tỉnh táo hơn. Và có thể nhờ thế, các CEO sẽ bớt được một tiếng thở dài.

Nhã Nam(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục