Giữa bão giá hàng hoá, nhiều doanh nghiệp "chơi dao 2 lưỡi" tăng tích trữ tồn kho

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kể từ giai đoạn cuối năm 2020 tới nay nhờ kỳ vọng sự phục hồi kinh tế khi có vắc xin, thị trường toàn cầu chứng kiến đà tăng mạnh của nhiều loại nguyên liệu cơ bản và hàng hoá, điều này tạo nên cơn sốt hàng hoá trên toàn cầu.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Trong số các hàng hoá tăng phi mã, không thể không nói tới dầu thô. Theo dữ liệu của Trading Economics, kể từ đáy tháng 4/2021, dầu Brent đã tăng 270,3%, dầu WTI tăng 400,8%. Nếu so với giai đoạn đầu năm 2021 tới nay, giá dầu Brent tăng 32,2% và dầu WTI tăng 42,1% và hiện tại dầu Brent và WTI đang giao dịch lần lượt vùng 68,5 USD/thùng và 65,1 USD/thùng.

Nhìn chung, kể từ đầu năm tới nay giá dầu tiếp tục xu hướng tăng mạnh, khi nhiều nhà đầu tư tiếp tục đặt cược và đà hồi phục của nền kinh tế và nhu cầu có thể gia tăng.

Nguồn cung giảm thúc đẩy đà tăng của giá dầu

Trên thế giới, nguồn cung dầu tập trung chủ yếu tại hai nhóm bao gồm nhóm OPEC (gồm những quốc giá xuất khẩu dầu lớn như: Ả Rập Xê Út, Iran, Iraq, Kuwait, Venezuela…), cùng đồng minh là Nga (OPEC+) và Mỹ.

Được biết, các thành viên OPEC đang khai thác khoảng 40% tổng sản lượng dầu trên thế giới và nắm giữ khoảng 75% trữ lượng dầu trên thế giới.

Nhằm hỗ trợ cho giá dầu, từ giữa năm ngoái tới nay, OPEC+ liên tục cam kết cắt giảm sản lượng để giảm nguồn cung. Tuy nhiên, nhóm này mới phát đi thông điệp sẽ tăng sản lượng trong giai đoạn sắp tới.

Cụ thể, OPEC+ bắt đầu tăng 350.000 thùng/ngày vào tháng 5/2021, 350.000 thùng/ngày vào tháng 6 và 450.000 thùng/ngày vào tháng 7/2021. Trước đó, vào tháng 5/2020, OPEC+ bắt đầu giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, sau đó từ tháng 8/2020, nới lỏng mức cắt giảm sản lượng xuống 7,7 triệu thùng/ngày và vào tháng 1/2021, hạ mức cắt giảm xuống 7,2 triệu thùng/ngày. Nhìn chung, sản lượng tăng thêm trong 3 tháng tới vẫn nhỏ hơn nhiều sản lượng cắt giảm trước đó.

Đối với Mỹ, sau khi chứng kiến đà lao dốc mạnh của giá dầu, nhiền công ty khai thác dầu đá phiến phải đóng cửa ngừng kinh doanh. Vào tháng 3/2020, Mỹ có 682 giàn khoan đang hoạt, nhưng tháng 8/2020 chỉ còn 172 giàn khoan, sau đó dần khôi phục và hiện tại đang là 342 giàn khoan đang hoạt động.

Như vậy, so với đỉnh trước khi có dịch, số giàn khoan của Mỹ đang hoạt động thấp hơn 49,9%, còn nếu so với đáy tháng 8/2020 thì đã tăng 98,8% số giàn khoan.

Biểu đồ số giàn khoan dầu đá phiến tại Mỹ (Nguồn: Investing.com)

Biểu đồ số giàn khoan dầu đá phiến tại Mỹ (Nguồn: Investing.com)

Mặc dù giá dầu tăng mạnh đã khuyến khích nhiều công ty quay trở lại khai thác dầu đá phiến, nhưng kể từ đầu năm tới nay, trữ lượng dầu mỏ chiến lược của Mỹ có dấu hiệu suy giảm tương đối mạnh.

Cụ thể, nếu như trữ lượng dầu mỏ chiến lược của Mỹ tháng 5/2020 là đỉnh hơn 532,34 triệu thùng thì tới 30/4/2021 là gần 485,12 triệu thùng, giảm 8,9% và trong những tuần trở lại đây đang cho thấy xu hướng giảm.

Biểu đồ Dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ (Nguồn: Eia.gov)
Biểu đồ Dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ (Nguồn: Eia.gov)

Theo dữ liệu của Trading Economics, trong những tuần trở lại đây, trữ lượng tồn kho tại Mỹ liên tục giảm. Trong đó, tuần kết thúc ngày 30/4 đã giảm 7,99 triệu thùng, đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2021.

Biểu đồ biến động tồn kho dầu của Mỹ theo tuần (Nguồn: Tradingeconomics.com)
Biểu đồ biến động tồn kho dầu của Mỹ theo tuần (Nguồn: Tradingeconomics.com)

Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng, nhu cầu được hỗ trợ bởi vắc xin gia tăng và tính di chuyển cao hơn ở các nền kinh tế chủ chốt sẽ làm cạn kiệt các kho dự trữ dầu thô và hỗ trợ giá cao hơn. Điều giúp giá dầu đã kéo dài mức tăng trong những tuần gần đây ngay cả trong bối cảnh bùng phát virus nghiêm trọng ở châu Á.

Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy AS cho biết, tâm lý lạc quan cũng đang được thúc đẩy bởi “kỳ vọng chung rằng châu Âu đang trên đà mở cửa trở lại nền kinh tế sau một trong những đợt phong toả vào mùa xuân nghiêm ngặt nhất trên toàn cầu. Mức giá hiện tại đang tạo động lực kinh tế cho việc tích trữ được giải phóng, thay vì chờ đợi giá dầu cao hơn trong tương lai”.

Nhiều hàng hoá cơ bản bước vào chu kỳ tăng phi mã

Không chỉ dầu thô, theo dữ liệu của Trading Economics, kể từ đầu năm tới, nhiều loại nguyên vật liệu khác cũng tăng giá mạnh. Cụ thể, giá đồng đã tăng 32,8%, giá thép tăng 28,5%, giá quặng sắt tăng 24,3% giá than tăng 14,2% so với đầu năm.

Theo Benchmark Mineral Intelligence, giá lithium cacbonat ở Trung Quốc đã tăng hơn 100% trong năm nay do nhu cầu trong nước tăng mạnh, sau gần 3 năm sụt giảm. Giá NdP (nguyên liệu sử dụng trong động cơ điện) và coban (kim loại dùng để sản xuất pin) đều tăng gần 40%. Đây là nguyên liệu thô cần thiết cho pin và động cơ xe điện

Giá các mặt hàng nông sản chủ chốt gồm ngũ cốc, hạt có dầu, đường, sữa cũng tăng vọt. Trong đó, giá ngô lần đầu tiên vượt mức 7 USD một bushel (1 bushel ngô tương đương 25,4 kg) sau 8 năm, đậu nành cũng có mức giá tăng cao nhất trong khoảng thời gian này. Chỉ số S&P GSCI, theo dõi biến động giá của 24 nguyên liệu thô, đã tăng 24% trong năm nay.

Có thể thấy, cơn bão tăng giá hàng hóa đã và đang diễn ra khá nhanh ở nhiều loại nguyên liệu quan trọng ngành công nghiệp, cũng như hàng hoá cơ bản khác.

Các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đẩy mạnh chiến lược đầu cơ tồn kho trong thời bão giá nguyên liệu

Tại Việt Nam, báo cáo tài chính quý I/2021 cả nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy, khi chứng kiến đà tăng phi mã của giá nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược tăng tồn kho để tích trữ hàng hoá.

Chẳng hạn, tại CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG - UPCoM), trong quý I/2021, tồn kho đã tăng thêm 1.240,5 tỷ đồng, lên 3.741,3 tỷ đồng và chiếm 44,2% tổng tài sản. Doanh nghiệp có thuyết minh chủ yếu là tăng 932,5 tỷ đồng nguyên vật liệu lên 1.438,6 tỷ đồng.

Được biết, Lộc Trời chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khi cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, giấy cây trồng, bao bì và sản xuất và xuất khẩu gạo.

Tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP - HOSE), trong quý I/2021 đã tăng tồn kho thêm 110,4 tỷ đồng lên 506,9 tỷ đồng và chiếm 17,6% tổng tài sản. Chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu tồn kho tăng 96,8 tỷ đồng lên 227,5 tỷ đồng.

Tại Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX - HOSE), trong quý đầu năm tăng thêm 1.012,3 tỷ đồng tồn kho, lên 10.411,8 tỷ đồng, chiếm 16,1% tổng tài sản. Được biết, tồn kho tăng chủ yếu là hàng hoá. Trong đó, PLX là doanh nghiệp kinh doanh chênh lệch xăng dầu, hàng hoá chủ yếu là nguyên liệu xăng dầu để bán lại.

Tương tự PLX, tại Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (OIL - UPCoM), trong quý I/2021, tồn kho tăng 521,1 tỷ đồng, lên 2.348,6 tỷ đồng và chiếm gần 10% tổng tài sản.

Chính sách gia tăng tồn kho trong thời bão giá hiện nay có thể tạo lợi nhuận ngắn hạn cho doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp quá xa đà vào đầu cơ, tới thời điểm giá nguyên liệu đảo chiều có thể sẽ chịu thiệt hại nặng.

Đặc biệt nhất là nhóm cổ phiếu Thép, khi hàng loạt doanh nghiệp đều gia tăng mạnh tồn kho.

Cụ thể, CTCP Thép Nam Kim (NKG - HOSE) trong quý đầu năm đã tăng thêm 1.349,9 tỷ đồng tồn kho, lên 3.500,3 tỷ đồng, chiếm tới 34,7% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu tăng nguyên liệu, vật liệu thêm 754,8 tỷ đồng; hàng hoá đang đi đường tăng 271,7 tỷ đồng.

Tại CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC - HOSE), trong quý I/2021 đã tăng 1.049,6 tỷ đồng tồn kho lên 2.854,8 tỷ đồng và chiếm 35,9% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu là nguyên vật liệu tăng thêm 501,4 tỷ đồng lên 1.123,6 tỷ đồng; hàng hoá tăng thêm 454,9 tỷ đồng lên 1.097,1 tỷ đồng.

Tại CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH - HOSE), trong quý I/2021 đã tăng 429 tỷ đồng lên 2.072,3 tỷ đồng và chiếm 56,8% tổng tài sản. Trong đó, hàng mua đang đi đường tăng thêm 61,6 tỷ đồng lên 61,6 tỷ đồng; nguyên liệu, vật liệu tăng thêm 91,7 tỷ đồng lên 347,3 tỷ đồng; thành phẩm tăng thêm 273,4 tỷ đồng lên 1.607,2 tỷ đồng.

Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp niêm yết gia tăng tích trữ nguyên liệu để phòng ngừa trường hợp giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng. Tuy nhiên, chiến lược này là dao hai lưỡi, bởi nếu như giá nguyên liệu tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn, nhưng khi giá nguyên liệu quay đầu sẽ có thể dẫn tới lỗ lớn do phải đánh giá lại tồn kho. Điều đã xảy ra với nhóm thương mại xăng dầu năm 2020, khi giá dầu bất ngờ lao dốc trong 6 tháng đầu năm 2020 phải tăng trích lập dự phòng tồn kho.

Xa hơn là Hoa Sen (HSG - HOSE) khi thực hiện đầu cơ giá nguyên vật liệu và cuối cùng giá thép giảm xuống, khiến doanh nghiệp phải trải qua một giai đoạn dài tái cơ cấu.

Chính sách gia tăng tồn kho trong thời bão giá hiện nay có thể tạo lợi nhuận ngắn hạn cho doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp quá xa đà vào đầu cơ, tới thời điểm giá nguyên liệu đảo chiều có thể sẽ chịu thiệt hại nặng.

Bài học doanh nghiệp ngành thép năm 2017 còn rất mới, hàng loạt doanh nghiệp chịu lỗ khi giá thép sụt giảm và hàng tồn kho nhập lúc giá cao ùn ứ. Phải đến 2019 tình hình mới được cải thiện một phần.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục