“Giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 2024 ở mức 6,0%”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam

Trên nền tảng của năm 2023, ông đánh giá ra sao về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024?

Tôi có góc nhìn lạc quan một cách thận trọng về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù có những thách thức kinh tế vĩ mô bên ngoài, đặc biệt là từ các đối tác thương mại chính và việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại các thị trường lớn có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ.

Các chính sách của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát và giữ cho lãi suất ở mức thấp đã có hiệu quả nhất định. So với các nước trong khu vực, sự tăng trưởng của Việt Nam là rất ấn tượng. Triển vọng của nền kinh tế trong năm mới sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, tiêu dùng trong nước và phục hồi xuất khẩu. Tất nhiên, cũng cần tính đến khả năng phục hồi trước những thách thức như biến đổi khí hậu.

Báo cáo của ADB vừa công bố vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam ở mức 6,0% và lạm phát 4,0%. Sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của các hoạt động xuất khẩu, thị trường lao động và việc làm trong nước.

Rủi ro đối với triển vọng kinh tế năm 2024, theo tôi, bao gồm lãi suất tăng cao liên tục ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác, có thể góp phần gây bất ổn tài chính tại các nền kinh tế dễ bị tổn thương trong khu vực, đặc biệt là những nước có nợ công cao. Khả năng gián đoạn nguồn cung do hiện tượng thời tiết El Niño và từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng có thể kích hoạt lạm phát, đặc biệt liên quan đến an ninh lương thực và năng lượng.

Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của xuất khẩu và đầu tư trong nền kinh tế Việt Nam?

Xuất khẩu và đầu tư là rất quan trọng, nhưng cũng cần tập trung vào tiêu dùng nội địa trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài dự báo phục hồi chậm. Việc giữ lãi suất ở mức thấp sẽ thúc đẩy tín dụng và tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Đầu tư công, đặc biệt vào cơ sở hạ tầng, có thể khuyến khích sự phát triển các ngành khác như y tế, xây dựng và các ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó thúc đẩy tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế.

Ông có nhận định gì về nguồn vốn FDI ở Việt Nam?

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI đang gia tăng trong khu vực, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách chính sách và tăng cường đầu tư công, phát triển hạ tầng.

Việt Nam nhận được nhu cầu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất lớn và đã trở thành điểm đến quan trọng của nguồn vốn này. Để duy trì khả năng thu hút dòng vốn này, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường chính sách.

Thời gian tới, Việt Nam cần hướng dòng vốn FDI vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, vốn cần nguồn vốn đầu tư rất lớn và được xem là trụ cột trong chiến lược chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo hướng cân bằng, bền vững, chống biến đổi khí hậu.

Trước tình hình cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực, theo ông, Việt Nam cần triển khai những quyết sách gì để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn nước ngoài?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã làm tốt công tác thu hút FDI, nhưng điều đó là chưa đủ. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI đang gia tăng trong khu vực, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách chính sách và tăng cường đầu tư công, phát triển hạ tầng. Việc cải cách chính sách hiệu quả sẽ đảm bảo lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI.

Ví dụ, các quốc gia láng giềng như Indonesia và Thái Lan đang thu hút đầu tư đáng kể vào xe điện và đây là lĩnh vực mà Việt Nam có hoạt động thực sự tích cực. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện các chính sách công nghiệp có thể thu hút các khoản đầu tư trong các lĩnh vực như vậy, để không bị tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Theo đó, các bước cần thiết bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, khu kinh tế và khu công nghiệp có đầy đủ cơ sở vật chất để nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy. Kết nối hiệu quả, hợp lý hóa chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp và định hướng xuất khẩu được trang bị tốt là chìa khóa để thu hút FDI không chỉ trong lĩnh vực xe điện mà còn trên phạm vi rộng.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn đang được đẩy mạnh. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, các quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Việt Nam chắc hẳn không phải là ngoại lệ, thưa ông?

PPP là trụ cột quan trọng để thu hút đầu tư tư nhân. Một trong những dự án gần đây của ADB ở Uzbekistan, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, là một trường hợp điển hình đáng chú ý. Tại đây, ADB đã cung cấp hỗ trợ toàn diện, từ việc tăng cường chính sách thượng tầng và khung thể chế đến tư vấn giao dịch tầm trung và tài trợ hạ tầng. Cách tiếp cận toàn diện này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về năng lượng mặt trời và gió ở Uzbekistan. Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ cách tiếp cận như vậy, vì chỉ riêng chi tiêu công là không đủ cho nhu cầu cơ sở hạ tầng.

Ông cũng đã đề cập ở trên, một trong những thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt là biến đổi khí hậu, từ phía ADB đã giải quyết thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu ở các quốc gia khác và Việt Nam như thế nào?

ADB đang tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu và chúng tôi cố gắng lồng ghép vấn đề này vào mọi hoạt động. Tại Việt Nam, cách tiếp cận của ADB là hỗ trợ các dự án nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phù hợp với các mục tiêu về phát triển bền vững. Chiến lược của chúng tôi liên quan đến tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ kết hợp giữa cho vay chính phủ, cho vay khu vực tư nhân và dịch vụ tư vấn để chuẩn bị các dự án đầu tư tư nhân và hỗ trợ cải cách chính sách.

Bên cạnh đó, ADB đã tài trợ cho một số dự án năng lượng tái tạo, ví dụ như dự án điện mặt trời nổi Đa Mi 88 MW. Giống như bất kỳ ngân hàng thương mại nào, Ban Khu vực tư nhân của chúng tôi hỗ trợ các dự án khả thi về mặt thương mại mà không phải gánh chịu rủi ro quá lớn. Chúng tôi hợp tác với các ngân hàng ở khối tư nhân như HSBC và các ngân hàng thương mại trong nước để huy động các gói tài trợ hoặc cung cấp vốn cho chủ sở hữu. Mấu chốt nằm ở công tác chính sách thượng tầng và tư vấn giao dịch tầm trung cho các dự án trọn gói theo cách giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo ông, những thách thức nào chính sách tiền tệ sẽ đối mặt trong năm 2024?

Tôi cho rằng, thách thức chính là duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và lãi suất hợp lý. Dựa trên các nghiên cứu của ADB, Chính phủ Việt Nam cho đến nay đã làm rất tốt trong việc duy trì cân bằng chính sách duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ lãi suất ở mức thấp và kiểm soát lạm phát.

Chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ phụ thuộc phần lớn vào quỹ đạo lạm phát. Chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, được hỗ trợ bởi việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Đây là hành động cân bằng khi xem xét các thách thức kinh tế vĩ mô, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động của xung đột toàn cầu đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Việc xây dựng chính sách tiền tệ đến năm 2024 của Việt Nam sẽ cần tiếp tục cân nhắc các yếu tố này, chú ý đến sự cân bằng giữa tăng trưởng, lạm phát và lãi suất. Sự cân bằng này rất quan trọng để giúp tín dụng có thể tiếp cận được và kích thích hoạt động kinh tế.

Hồng Dung thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục