
Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong vòng 1 tháng qua, từ ngày 25/2 - 25/3/2025, có 24 ngân hàng thương mại trong nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động, gồm Viet Capital Bank, MSB, VietBank, SaigonBank, VIB, BAOVIET Bank, KienlongBank, Bac A Bank, Viet A Bank, PGBank, Eximbank, LPBank, Nam A Bank, SHB, NCB, OCB, ABB, VietinBank, Agribank, BIDV, VCBNeo, Công nghệ số Vikki, MBV, với mức giảm từ 0,1 - 1,05%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Đáng chú ý, từ ngày 26/2 - 21/3/2025, KienlongBank có tới 4 lần hạ lãi suất. Theo đó, tiền gửi online của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng giảm từ 0,6 - 1,05%/năm ở các kỳ hạn từ 1 - 60 tháng, còn tiền gửi tại quầy giảm từ 0,2 - 0,35%/năm ở các kỳ hạn từ 1 - 60 tháng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất tiết kiệm giảm từ 0,2 - 0,35%/năm với các kỳ hạn từ 1 - 60 tháng.
Từ ngày 25/2-24/3/2025, Eximbank có 7 lần giảm lãi suất huy động đối với một số chương trình. Cụ thể, đối với tiền gửi tại quầy, lãi suất của Chương trình “Gửi dài an tâm” giảm từ 0,6 - 0,8%/năm ở các kỳ hạn từ 15 - 36 tháng, giảm từ 0,1 - 0,2%/năm ở các kỳ hạn từ 6 - 24 tháng đối với khách hàng thường và giảm từ 0,3 - 0,4%/năm ở các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng đối với khách hàng trên 50 tuổi. Đối với tiền gửi online, tiền gửi có kỳ hạn giảm từ 0,1 - 0,2%/năm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm từ 0,3 - 0,8%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng.
Ngày 25/3 vừa qua, Agribank đã giảm 0,1%/năm lãi suất các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng với khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân.
Tính riêng từ đầu tháng 3 tới nay, có 19 ngân hàng thương mại trong nước đã thực hiện giảm lãi suất huy động, gồm KienlongBank, Bac A Bank, Viet A Bank, PGBank, LPBank, NCB, SHB, Nam A Bank, VIB, VCBNeo, Eximbank, BIDV, Techcombank, Vikki, MBV, OCB, VietinBank, Agribank, ABB.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS), “mặc dù gần đây, lãi suất huy động trên đà giảm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhưng lãi suất đầu vào sẽ cải thiện dần về cuối năm với kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt hoặc thậm chí vượt mục tiêu đề ra là 16%”.
Tính đến ngày 12/3/2025, dự nợ tín dụng trong nền kinh tế đạt 15.810.723 tỷ đồng, tăng 1,24% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước giảm 0,6%). Trong khi đó, huy động vốn đạt 15.389.283 tỷ đồng, tăng 0,55% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước giảm 1,23%). Các số liệu cho thấy, nhu cầu vốn đang dần phục hồi.
Theo bà Hiền, tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa nhờ nhu cầu gia tăng và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Hơn thế, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
“Dựa vào các yếu tố trên, chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 5,5 - 6%/năm trong năm 2025”, bà Hiền nói.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc nguồn vốn của một ngân hàng thương mại nhận định, “duy trì lãi suất huy động ổn định là mục tiêu quan trọng ở thời điểm này”.
Cắt giảm lãi suất: Dư địa hạn chế
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo và nhiệm vụ của ngành ngân hàng là tăng trưởng tín dụng 16% để hỗ trợ cho mục tiêu này. Theo lý thuyết kinh tế, để có thể mang lại 1 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế (GDP) sẽ cần trung bình hơn 2 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng.
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC ghi nhận Việt Nam là thị trường chứng khoán có kết quả hoạt động tốt nhất khu vực ASEAN trong năm 2024 nhưng thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa được coi là phát triển đúng tiềm năng. Ở đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng trong nhiều thập kỷ qua.
Ông Gary Harron, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho biết, so với các nước khác trong khu vực ASEAN, sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng so với dòng vốn từ thị trường chứng khoán của Việt Nam đang ở mức đáng chú ý. Mức độ quá phụ thuộc vào tín dụng có thể dẫn đến việc những điều chỉnh về mặt kinh tế gia tăng tác động theo hướng bất lợi lên chi phí đi vay như hồi cuối năm 2022 khi chi phí tăng khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng giảm mạnh và ảnh hưởng bất lợi đến nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước, đặc biệt là ngân hàng và bất động sản.
Để đạt mức tăng trưởng GDP cao, mọi nguồn lực trong nền kinh tế phải dồn vào sản xuất, phát triển. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ ngân hàng, bao gồm từ người dân và các tổ chức kinh tế (nhà nước và tư nhân) thời gian gần đây không những không tăng, thậm chí còn giảm do lãi suất tiết kiệm về mặt bằng thấp, không còn hấp dẫn với người gửi tiền. Thị trường chứng khoán, kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế - vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khó phục hồi mạnh trong thời gian tới do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng niềm tin giai đoạn 2022 - 2023.
Nhìn nhận về câu chuyện huy động vốn ngân hàng đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho rằng, “áp lực sẽ rất lớn”.
“Khi nhu cầu đầu tư tăng cao, nguồn vốn vào ngân hàng giảm đi, điều này đặt ra thách thức lớn về khả năng huy động vốn. Các ngân hàng cần phải tính toán kỹ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế”, bà Bình nói.
Nhận định được ông Sacha Dray, Chuyên gia Kinh tế Ngân hàng Thế giới đưa ra, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn duy trì tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế. Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất chính sách (lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu) lần lượt ở các mức 4,5% và 3,0%, không thay đổi ở mức thấp kỷ lục kể từ tháng 6/2023. Quan điểm chính sách tạo thuận lợi đã hỗ trợ kinh tế phục hồi, với lãi suất chính sách thực ở mức gần bằng 0. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn sử dụng hàng loạt công cụ như nghiệp vụ thị trường mở (OMO), trần lãi suất tiền gửi và cho vay, trần tăng trưởng tín dụng và can thiệp tỷ giá để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm biến động về tỷ giá.
“Chính sách tiền tệ vẫn phải đối mặt với dư địa hạn chế về tiếp tục cắt giảm lãi suất trong trường hợp đồng USD tiếp tục mạnh lên và gây ra áp lực cho tỷ giá”, ông Sacha Dray nhấn mạnh.
Trong diễn biến có liên quan, khi thời điểm công bố báo cáo giữa kỳ của FTSE Russell (một công ty cung cấp chỉ số hàng đầu) về kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán đang đến gần, giới đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025. Nếu kỳ vọng thành hiện thực, FTSE Russell ước tính, có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trị giá khoảng 6 tỷ USD, tương đương hơn 1% GDP vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc này cũng giúp thị trường ổn định hơn thông qua sự hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức dài hạn trên thị trường.
“Một thị trường vốn vận hành đầy đủ chức năng, có khả năng huy động và phân bổ hiệu quả vốn cho các lĩnh vực, ngành nghề, sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng GDP cho Việt Nam và giảm thiểu rủi ro liên quan đến tình trạng quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng”, ông Gary Harron nói.