Sau khi vốn hoá thị trường chứng khoán toàn cầu bốc hơi hơn 20.000 tỷ USD giá trị kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 1/2022, chứng khoán thế giới đang mắc kẹt trong thị trường giá xuống khi các ngân hàng trung ương lớn phải cố gắng ngăn chặn lạm phát gia tăng mà không làm trật bánh đà tăng trưởng kinh tế còn yếu ớt.
Mặc dù định giá đã giảm xuống dưới mức trung bình trong lịch sử và điều này có thể thu hút những nhà đầu tư bắt đáy. Tuy nhiên, những cảnh báo gần đây về lợi nhuận từ các nhà bán lẻ Target và WalMart của Mỹ cũng như những người công ty có kết quả kinh doanh khả quan trong giai đoạn đại dịch như Zalando và B&M đã khiến các nhà đầu tư lo lắng về một loạt sự suy giảm trong tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp khi giá năng lượng và các chi phí đầu vào khác tăng mạnh và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.
Emmanuel Cau, chiến lược gia tại Barclays cho biết, báo cáo lợi nhuận được coi "là động lực thị trường tiếp theo".
Theo Bank of America, thị trường chứng khoán có thể phải vật lộn để tìm đáy cho đến khi dự báo lợi nhuận được thiết lập lại ở mức thấp hơn. Đó là bởi vì kỳ vọng lợi nhuận cao làm giảm định giá công ty xuống mức có thể đánh lừa các nhà đầu tư.
Francesco Cudrano, cố vấn của Simplify Partners cho biết: "Có rất ít lần điều chỉnh giảm lợi nhuận doanh nghiệp và hiện thị trường vẫn còn quá lạc quan. Đó là lý do tại sao chúng tôi dự báo có một đợt điều chỉnh khác khi lợi nhuận được công bố và với sự biến động này, nhà đầu tư thực sự có nguy cơ bị thua lỗ nặng”.
"Các thông báo tiêu cực có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Doanh thu và lợi nhuận đều có rủi ro", Eric Johnston, người đứng đầu bộ phận đầu tư cổ phiếu tại Cantor Fitzgerald cho biết.
"Chúng tôi không thấy một kịch bản mà Fed có thể ngừng tăng lãi suất trong ít nhất bốn tháng ngay cả khi tăng trưởng đang suy yếu và ngay cả khi chứng khoán giảm mạnh", ông cho biết.
Xác suất lợi nhuận của các doanh nghiệp toàn cầu sẽ tăng trưởng trong năm nay đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2015. |
Theo Absolute Strategy Research, với kết quả khảo sát các quỹ đầu tư với quy mô tài sản quản lý 5.200 tỷ USD, xác suất lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu sẽ tăng trưởng trong năm nay so với cùng kỳ đã giảm xuống 37%, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2015.
Cuộc khảo sát tương tự cho thấy xác suất thấp kỷ lục (53%), rằng lợi nhuận đầu tư vào cổ phiếu sẽ vượt trội so với trái phiếu trong 12 tháng tới.
Các nhà kinh tế đã nâng cao tỷ lệ suy thoái ở Mỹ và châu Âu do áp lực tăng lãi suất nhanh chóng và xung đột ở Ukraine, nhưng dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm nay tiếp tục tăng kể từ tháng 1.
Theo Refinitiv, lợi nhuận của các doanh nghiệp ở châu Âu sẽ tăng 15,2% vào năm 2022 và 4,1% trong năm tới trong khi ở Mỹ, con số này sẽ tăng lần lượt là 10,8% và 9,1%.
Chỉ số MSCI AC World và hệ số P/E |
Chỉ số MSCI AC World đang giao dịch ở mức P/E dự phóng là 14,3 lần, thấp hơn khoảng 11% so với mức trung bình 20 năm. Tuy nhiên, điều đó chưa phản ánh bất kỳ điều chỉnh giảm tăng trưởng lợi nhuận nào có thể xảy ra trong những tháng tới.
Michele Morganti, chiến lược gia cấp cao của Generali Investments cho biết: “Lợi nhuận thực tế giảm mạnh, hoạt động toàn cầu xấu đi, căng thẳng địa chính trị kéo dài và bất ổn là tất cả những lý do để lo ngại”.