Nghề giao dịch viên thường xuyên tiếp xúc với tiền bạc, nguy cơ mắc phải một sai sót nào đó dẫn đến mất tiền, thiếu tiền rất thường trực. Vào cuối ngày giao dịch, bạn kiểm đếm tiền, phát hiện thiếu mất một vài triệu đồng. Số tiền đó rất lớn đối với bạn, nhưng cuối cùng bạn sẽ tự rút ví để bù số tiền hao hụt. Bạn làm vậy để tránh việc bị kiểm toán, kiểm soát xem xét hậu quả, sai phạm và trách nhiệm kỷ luật.
Nhưng liệu đó có phải là giới hạn trách nhiệm cao nhất trong công việc của một giao dịch viên?
Nói đến trách nhiệm, luôn có hai yếu tố đóng vai trò nguyên nhân tạo thành: Một là sai phạm, hai là hậu quả.
Sai phạm, hậu quả luôn có mối quan hệ nhân quả với trách nhiệm. Không sai phạm, không hậu quả phát sinh, đương nhiên bạn không chịu trách nhiệm pháp lý.
Nếu bạn có hành vi sai phạm, hậu quả thiệt hại phát sinh, đương nhiên trách nhiệm pháp lý sẽ đến. Đôi khi, chúng ta có hành vi sai phạm, nhưng để tránh dẫn đến trách nhiệm, chúng ta có thể triệt tiêu yếu tố hậu quả. Như việc giao dịch viên đền tiền thiếu hụt chính là giải pháp triệt tiêu yếu tố hậu quả. Từ đó, bạn tránh được trách nhiệm pháp lý cho bản thân.
Nhiều giao dịch viên cho rằng, công việc của họ rất đơn giản, chỉ làm theo các quy trình mặc định của ngân hàng. Thế nên, cứ làm đúng quy trình thì lấy đâu ra sai phạm. Không chỉ bạn, mà không ít lãnh đạo ngân hàng cũng có quan điểm vô tư này.
Đừng quên rằng, chúng ta đang làm việc trong một lĩnh vực chứa đựng của cải vật chất của xã hội. Ngân hàng giữ hộ tiền bạc cho nền kinh tế, trong khi nhiều loại hình tội phạm mong muốn tác động vào ngân hàng.
Các giao dịch viên hằng ngày hiện diện tại những trụ sở giao dịch sang trọng. Sau lưng bạn là tiền bạc của ngân hàng. Bạn giúp ngân hàng kiểm soát những đồng tiền ra vào ngân hàng theo từng giao dịch. Nếu ví ngân hàng là túi tiền của nền kinh tế, thì bạn chính là người canh giữ túi tiền. Muốn lấy được tiền, tội phạm cần tác động đến người đang giữ túi tiền. Vậy là muôn loại rủi ro có thể xảy đến mà không một quy trình nào của ngân hàng có thể lường hết.
Nghĩ về trách nhiệm pháp lý hình sự, nhiều giao dịch viên cho rằng, điều này chỉ xảy ra với những ai có hành vi tham ô, tư lợi, xâm phạm, hoặc cố ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản ngân hàng. Điều đó không đúng, bởi lẽ không thiếu những trường hợp giao dịch viên vướng mắc vào trách nhiệm hình sự chỉ từ những sự cố nghề nghiệp.
Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm tội phạm Công ty TNHH Dương Hùng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Hàng hải năm 2010 là một ví dụ. Một giao dịch viên đã can án, trong khi thực chất, giao dịch viên này không vi phạm bất kỳ quy định pháp luật nào.
Thực tế này đòi hỏi các bạn có sự nhìn nhận trải nghiệm hơn về nghề nghiệp của mình.
Nghề giao dịch viên tiếp xúc với nhiều loại người, nhiều dạng giao dịch. Trong nội bộ ngân hàng, giao dịch viên là trung tâm kết nối của nhiều loại hình nghiệp vụ như tín dụng, thanh toán quốc tế, giao dịch nguồn vốn... Các nghiệp vụ đều có sự liên hệ đến thao tác kỹ năng của giao dịch viên.
Khi tiếp xúc với yêu cầu và tài sản của khách hàng, giao dịch viên đứng ở nơi giao lưu các luồng pháp lý: Pháp luật về doanh nghiệp, về tài sản, về hôn nhân gia đình, về thi hành án... Rủi ro nghề nghiệp cũng phát sinh từ đấy và tiềm ẩn trong mỗi giao dịch, mỗi con người mà giao dịch viên tiếp xúc.
Lĩnh vực ngân hàng là lĩnh vực của tiền bạc. Hậu quả phát sinh trong lĩnh vực này thường là những khoản tiền lớn. Một khi hậu quả phát sinh, giới hạn trách nhiệm pháp lý sẽ không hề nhỏ dựa trên quy mô thiệt hại. Do vậy, nghề ngân hàng nói chung và nghề giao dịch viên nói riêng đòi hỏi người làm nghề không thể vô tư trước những giới hạn trách nhiệm nghề. Có như vậy, bạn mới thường xuyên thận trọng cho trách nhiệm của bản thân và từ đó nhận thức, quản lý được các rủi ro nghề nghiệp.
Luật sư Trần Minh Hải
(Trích sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp - 30 bài học pháp lý nghiệp vụ dành cho nghề Teller ngân hàng” của Luật sư Trần Minh Hải)