Giới đầu tư vội vã bán cổ phiếu sau phát biểu của chủ tịch Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đảo chiều giảm điểm vào thứ Tư (3/5), sau bình luận của Chủ tịch Fed - Jerome Powell khiến các nhà đầu tư tự hỏi động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ là gì với việc tăng lãi suất.
Giới đầu tư vội vã bán cổ phiếu sau phát biểu của chủ tịch Fed

Các chỉ số chính ban đầu giao dịch khá vững chắc trên tham chiếu sau tuyên bố tăng lãi suất chỉ 0,25% như dự báo của Fed, đưa lãi suất chuẩn lên khoảng 5%-5,25%, mức lần tăng thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 3/2022 đến nay.

Nhưng các cổ phiếu bắt đầu chao đảo sau cuộc họp báo của ông Powell, khi cho biết Fed vẫn coi lạm phát hiện tại là quá cao và cho biết còn quá sớm để nói rằng chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc.

Joshua Chastant, nhà phân tích đầu tư cao cấp tại GuideStone Financial Resources, cho biết: “Fed vẫn đang mắc kẹt giữa khó khăn và rất khó khăn. Lạm phát vẫn tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Vì vậy, họ đang cố gắng không gửi tín hiệu rằng họ đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất, nhưng cũng không nhất thiết muốn đưa nền kinh tế vào chu kỳ suy thoái”.

Dữ liệu vào thứ Tư cho thấy các nhà tuyển dụng tư nhân của Mỹ đã tăng cường tuyển dụng trong tháng 4, nhưng cũng đã có những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang chậm lại trong bối cảnh lãi suất cao.

Cụ thể, Chính phủ Mỹ đã báo cáo vào thứ Ba rằng có 9,6 triệu cơ hội việc làm vào cuối tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2021. Nhưng thị trường lao động không chậm lại đủ nhanh để chế ngự lạm phát. Báo cáo việc làm quốc gia của ADP cho thấy rằng số việc làm tư nhân đã tăng 296.000 việc làm trong tháng 4 sau khi tăng 142.000 trong tháng 3.

Kết thúc phiên 3/5, chỉ số Dow Jones giảm 270,29 điểm (-0,80%), xuống 33.414,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 28,83 điểm (-0,70%), xuống 4.090,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 55,18 điểm (-0,46%), xuống 12.025,33 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ, một ngày sau khi có phiên giảm mạnh nhất trong một tháng, do đồn đoán Fed có thể đưa ra đợt tăng lãi suất cuối cùng.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,32% lên 462,54 điểm, sau khi đóng cửa ở mức thấp nhất trong một tháng vào thứ Ba.

Phiên này, cổ phiếu lĩnh vực dầu khí giảm 0,8% do giá dầu thô tiếp tục giảm do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và tác động đối với nhu cầu.

Tuy nhiên, trọng tâm vẫn tập trung vào cuộc họp của Fed vào cuối giờ chiều theo giờ GMT, dự kiến Fed ​​sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% và báo hiệu khả năng tạm dừng chu kỳ thắt chặt đã kéo dài 14 tháng. Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến ​​​​sẽ có bài phát biểu sau đó.

Chỉ số STOXX 600 đã đóng cửa vào tháng 4 với một nền tảng vững chắc, thậm chí còn vượt trội so với chỉ số S&P 500 của Phố Wall khi trọng tâm chuyển sang mùa báo cáo kết quả kinh doanh và quyết định lãi suất từ ​​Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào thứ Năm.

ECB được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%, với dữ liệu gần đây chỉ ra rằng, các ngân hàng đang cắt giảm mạnh các ‘vòi cấp tín dụng” khiến cho một đợt tăng lãi suất nhỏ hơn gần đây có thể xảy ra.

Riêng biệt, một báo cáo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của khu vực đồng euro đã giảm xuống 6,5% trong tháng 3, cho thấy thị trường lao động sẽ thắt chặt hơn nữa.

Kết thúc phiên 3/5: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 15,34 điểm (+0,20%), lên 7.788,37 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 88,12 điểm (+0,56%), lên 15.815,06 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 20,63 điểm (+0,28%), lên 7.403,83 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục giảm và xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, do lo ngại về nhu cầu suy yếu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Kết thúc phiên 3/5, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 3,06 USD/thùng (-4,46%), xuống 68,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,99 USD/thùng (-4,13%), xuống 72,33 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục