Giới đầu tư vẫn phập phồng lo âu

(ĐTCK) Dù kết quả kinh doanh khả quan hỗ trợ cho thị trường, nhưng nhà đầu tư vẫn phập phồng lo âu khi căng thẳng thương mại đang có dấu hiệu leo thang.

Nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang trở lại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, có thể đánh thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (khoảng 500 tỷ USD) khiến phố Wall tiếp tục gặp khó trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, các chỉ số chính của phố Wall chỉ giằng co quanh tham chiếu và đóng cửa chỉ giảm nhẹ nhờ được bù đắp bởi kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố, đặc biệt là Microsoft.

Kết thúc phiên 20/7, chỉ số Dow Jones giảm 6,38 điểm (-0,02%), xuống 25.058,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,66 điểm (-0,1%), xuống 2.801,83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 5,10 điểm (-0,07%), xuống 7.820,20 điểm.

Sau tuần tăng mạnh trước đó, phố Wall gần như không đổi trong tuần qua. Cụ thể, trong tuẩn, chỉ số Dow Jones tăng 0,15%, chỉ số S&P 500 tăng 0,02% và Nasdaq giảm 0,07%.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần qua khi một số doanh nghiệp mới công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng và ảnh hưởng từ nỗi lo cuộc chiến thương mại.

Kết thúc phiên 20/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,18 điểm (-0,07%), xuống 7.678,79 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 124,87 điểm (-0,98%), xuống 12.561,42 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 18,75 điểm (-0,35%), xuống 5.398,32 điểm.

Chứng khoán châu Âu có tuần trái chiều sau tuần tăng đồng loạt trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,22%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp, chỉ số DAX có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng nhẹ 0,16%, trong khi CAC40 quay đầu giảm nhẹ 0,57% sau 2 tuần tăng liên tiếp.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm nhẹ do chịu ảnh hưởng từ việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm mạnh, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản, thì chứng khoán Trung Quốc lại tăng vọt hơn 2% trong phiên cuối tuần nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu tài chính sau khi các phương tiện truyền thông có thông tin  có khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ đề xuất các quy tắc quản lý tài sản nới lỏng hơn dự kiến.

Đà tăng của cổ phiếu Trung Quốc đại lục cũng đã kéo chứng khoán Hồng Kông tăng theo trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 20/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 66,80 điểm (-0,29%), xuống 22.697,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 231,62 điểm (+0,76%), lên 28.224,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 56,73 điểm (+2,05%), lên 2.829,27 điểm.

Trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục tăng 0,44%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Hồng Kông nhanh chóng quay đầu giảm 1,06% sau khi tăng nhẹ 0,74% trong tuần trước đó. Còn chứng khoán Trung Quốc cũng giảm nhẹ 0,07% sau tăng mạnh 3,06% trước đó.

Dù nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang lan rộng, nhưng khác với thường lệ, giá vàng lại bật tăng mạnh trong phiên cuối tuần do đồng USD có phiên giảm mạnh nhất 3 tuần chặn đứng chuỗi tăng mạnh, đưa đồng bạc xanh lên mức cao nhất 1 năm.

Kết thúc phiên 20/7, giá vàng giao ngay tăng 9,2 USD (+0,75%), lên 1.231,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 7,1 USD (+0,58%), lên 1.231,1 USD/ounce.

Dù hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng không tránh khỏi tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Trong đó, giá vàng giao ngay giảm 0,77% và giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 0,81%.

Dù đã có cái nhìn bớt tiêu cực hơn tuần trước đó, nhưng cả giới phân tích và nhà đầu tư vẫn có cái nhìn thận trọng về xu hướng giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 18 chuyên gia trả lời tuần này, có 6 người, chiếm 33% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn nhiều so với mức 21% của tuần trước, trong khi có tới 9 người, tương đương 50% dự báo sẽ giá vàng sẽ giảm, thấp hơn so với con số 63% của tuần trước và 3 người, chiếm 17% dự báo giá sẽ đi ngang.

Tương tự, trong 868 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 319 người, chiếm 37% dự báo giá vàng sẽ tăng, thấp hơn so với mức 44% của tuần trước; 446 lượt người, chiếm 51% dự báo giảm, cao hơn so với mức 41% của tuần trước và 103 lượt người, chiếm 12% có quan điểm trung tính.

Đồng USD giảm mạnh, cùng với thông tin xuất khẩu của Ả Rập Xê út dự kiến thấp trong tháng 8 giúp giá dầu thô hồi phục trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 20/7, giá dầu thô Mỹ tăng 1,00 USD (+1,42%), lên 70,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,49 USD (+0,67%), lên 73,07 USD/thùng.

Dù hồi phục tốt trong  phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô không tránh khỏi tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Trong đó, giá dầu thô Mỹ giảm 0,77% và giá dầu thô Brent giảm 3,00%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục