Dù lấy lại sự ổn định tâm lý sau tuyên bố hôm thứ Ba của tân Chủ tịch Fed Jerome Powell về khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất nhiều hơn 3 lần trong năm nay khi triển vọng kinh tế sáng sủa và lạm phát đang có áp lực gia tăng, nhưng phố Wall không thể đảo chiều, mà bị bán mạnh về cuối phiên.
Một lần nữa, nhà đầu tư vẫn chưa thể “tiêu hóa” hết nỗi lo về khả năng Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, cùng với nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc khiến phố Wall tiếp tục có phiên giảm mạnh.
Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng 1,26, lên mức 19,85 điểm, mức cao nhất trong 1 tuần.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Dow Jones giảm 380,83 điểm (-1,50%), xuống 25.029,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,45 điểm (-1,11%), xuống 2.713,83 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 57,35 (-0,78%), xuống 7.273,01 điểm.
Trong tháng 2, Dow Jones giảm 4,02%, S&P 500 giảm 3,89% và Nasdaq giảm 1,87%. Như vậy, Dow Jones và S&P 500 đã chấm dứt chuỗi 10 tháng tăng liên tiếp, chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 11/1959.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục có phiên sụt giảm do ảnh hưởng từ khả năng Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất và kết quả kinh doanh đáng thất vọng của một số doanh nghiệp vừa công bố.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 50,54 điểm (-0,69%), xuống 7.231,91 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 54,88 điểm (-0,44%), xuống 12.435,85 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 23,43 điểm (-0,44%), xuống 5.320,49 điểm.
Trong tháng 2, chỉ số FTSE 100 giảm 4%, chỉ số DAX giảm 5,71% và CAC 40 giảm 2,94%.
Chứng khoán châu Á, nhất là chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông vốn rất nhạy cảm với chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh trong phiên thứ Tư khi phố Wall điều chỉnh sâu trong phiên tối trước đó. Ngoài ra, chứng khoán Nhật Bản giảm còn do chỉ số sản xuất công nghiệp ô tô mới công bố cho thấy sự thụt lùi, cùng với việc BOJ cắt giảm việc mua trái phiếu dài hạn, qua đó dấy lên nghi ngờ về khả năng BOJ sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu của mình.
Tương tự, chứng khoán Trung Quốc cũng giảm mạnh trong phiên thứ Tư do sản lượng công nghiệp tháng 2 tăng chậm vì trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Cùng với đó, lo ngại về khả năng Mỹ đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất cũng khiến giới đầu tư trên thị trường này ái ngại.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 321,62 điểm (-1,44%), xuống 22.068,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 423,94 điểm (-1,36%), xuống 30.844,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 32,66 điểm (-0,99%), xuống 3.259,41 điểm.
Trong tháng 2, chỉ số Nikkei 225 giảm 4,46%, chỉ số Hang Seng giảm tới 6,21% và Shanghai Composite cũng giảm tới 6,36%.
Giá vàng đi ngang trong phiên thứ Tư và kết thúc gần như không đổi. Giới đầu tư hạn chế mua vào kim loại quý khi đồng USD đang lên mức cao nhất 5 tuần.
Kết thúc phiên 28/2, giá vàng giao ngay tăng 0,1 USD/ounce (+0,01%), lên 1.317,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 0,7 USD/ounce (-0,05%), xuống 1.317,9 USD/ounce.
Trong tháng 2, giá vàng giao ngay giảm 2,02% và giá vàng tương lai cũng giảm 1,97%, chấm dứt chuỗi 3 tháng tăng liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu thô lại tiếp tục giảm mạnh khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ vừa được EIA công bố tăng 3 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn mức dự báo 2,1 triệu thùng của giới phân tích.
Trong tháng 2, giá dầu thô Mỹ giảm 4,77% và giá dầu thô Brent cũng giảm 4,74%.
Kết thúc phiên 28/2, giá dầu thô Mỹ giảm 1,37 USD (-2,22%), xuống 61,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,85 USD (-1,29%), xuống 65,78 USD/thùng.