Giới đầu tư tự tin bắt đáy

(ĐTCK) Tưởng chừng phố Wall sẽ nhanh chóng điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Tư (7/8) sau phiên hồi phục trước đó, nhưng lực cầu bắt đáy đã giúp S&P và Nasdaq hồi phục trở lại.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong phiên thứ Tư, phố Wall lại chìm trong sắc đỏ khi nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang trở lại ám ảnh nhà đầu tư sau khi vơi bớt trong phiên trước đó. Đặc biệt, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016 khi nhà đầu tư lao vào các kênh an toàn như trái phiếu, vàng để phòng ngừa suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã giúp các chỉ số dần hồi phục trở lại trong những phút cuối phiên, trong đó S&P 500 và Nasdaq vượt qua tham chiếu để có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi Dow Jones lại thiếu chút may mắn.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Dow Jones giảm 22,45 điểm (-0,09%), xuống 26.007,07 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,21 điểm (+0,08%), lên 2.883,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 29,56 điểm (+0,38%), lên 7.862,83 điểm.

Chứng khoán châu Âu hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư sau chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp trước đó do nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 27,01 điểm (+0,38%), lên 7.198,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 82,19 điểm (+0,71%), lên 11.650,15 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 31,86 điểm (+0,61%), lên 5.266,51 điểm.

Dù phố Wall hồi phục mạnh phiên tối hôm trước đó, nhưng chứng khoán Nhật Bản vẫn giảm do đồng yên mạnh và lo ngại về thương chiến vẫn chưa qua. Tương tự, lo ngại về thương chiến cũng khiến chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại quay đầu hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 68,75 điểm (-0,33%), xuống 20.516,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,88 điểm (-0,32%), xuống 2.768,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 20,79 điểm (+0,08%), lên 25.997,03 điểm.

Vai trò trú ẩn an toàn tiếp tục duy cao với vàng, giúp giá kim loại quý này tiếp tục thăng hoa trong phiên thứ Tư, vượt qua ngưỡng 1.500 USD/ounce, mức cao nhất 6 năm.

Kết thúc phiên 7/8, giá vàng giao ngay tăng 29,9 USD (+2,0%), lên 1.503,9 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao tháng 8 tăng 34,9 (+2,37%), lên 1.507,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 34,5 USD (+2,37%), lên 1.519,6 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục lao dốc do lo ngại chiến tranh thương mại sẽ khiến nhu cầu với loại nhiên liệu này sụt giảm.

Kết thúc phiên 7/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,54 USD (-4,97%), xuống 51,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,71 USD (-4,82%), xuống 56,23 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục