Giới đầu tư toàn cầu hân hoan với dữ liệu từ Trung Quốc

(ĐTCK) Xuất khẩu của Trung Quốc có tháng tăng trưởng đầu tiên sau 9 tháng đã giúp chứng khoán toàn cầu khởi sắc trong phiên thứ Tư, trong khi kéo lùi giá vàng.
Phố Wall liên tiếp có những phiên tăng điểm ấn tượng (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall liên tiếp có những phiên tăng điểm ấn tượng (Ảnh minh họa: AFP)

Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 3 do các hộ gia đình cắt giảm mua xe ô tô và các mặt hàng khác. Dữ liệu này tạo thêm căn cứ để dự đoán tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ khó khăn trong quý I.

Tuy nhiên, bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ kém khả quan, giới đầu tư trên phố Wall lại hân hoan với dữ liệu thương mại của Trung Quốc vừa công bố.

Theo dữ liệu vừa được Trung Quốc công bố, xuất khẩu trong tháng 3 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng mạnh trở lại 18,7% so với cùng kỳ. Tháng trước, xuất khẩu của nước này giảm tới 21%.

Việc xuất khẩu tăng mạnh trở lại là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã làm tốt hơn dự đoán trong quý I/2016. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP trong quý I sẽ ở mức 6,7%. Con số này sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu (15/4).

Nhập khẩu của nước này cũng chỉ còn giảm 1,7% trong tháng 3, tháng giảm thứ 17 liên tiếp.

Kết thúc phiên 13/4, chỉ số Dow Jones tăng 187,03 điểm (+1,06%), lên 17.908,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20,70 điểm (+1,00%), lên 2.082,42 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 73,33 điểm (+1,55%), lên 4.947,42 điểm.

Tương tự phố Wall, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng phản ứng tích cực với dữ liệu từ Trung Quốc, bởi Trung Quốc là thị trường lớn của nhiều tập đoàn châu Âu. Trong phiên thứ Tư, chứng khoán châu Âu đã tăng mạnh lên mức cao nhất 2 tuần.

Kết thúc phiên 13/4, chỉ FTSE 100 tại Anh tăng 120,5 điểm (+1,93%), lên 6.362,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 264,63 điểm (+2,71%), lên 10.026,10 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát tăng 144,40 điểm (+3,32%), lên 4.490,31 điểm.

Dĩ nhiên, nơi khởi nguồn của tin tốt đã có phiên giao dịch đầy hứng khởi, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lên mức cao nhất 1 tuần rưỡi, chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng tốt nhất trong 2 tháng, trong khi chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục hơn 1,4% trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 13/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 452,43 điểm (+2,84%), lên 16.381,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 654,27 điểm (+3,19%), lên 21.158,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 42,99 điểm (+1,42%), lên 3.066,64 điểm.

Những thông tin tích cực của nền kinh tế Trung Quốc hỗ trợ đắc lực cho thị trường chứng khoán, lại là thông tin không tốt cho giá vàng. Khi nhà đầu tư dồn tiền vào thị trường chứng khoán, dĩ nhiên dòng tiền sẽ phải rút ra khỏi thị trường vàng, khiến giá kim loại quý này giảm mạnh trong phiên thứ Tư từ mức cao nhất 3 tuần được xác lập trong phiên thứ  Ba.

Kết thúc phiên 13/4, giá vàng giao ngay giảm 13,3 USD (-1,06%), xuống 1.242,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 12,6 USD (-1,00%), xuống 1.248,3 USD/ounce.

Sau chuỗi tăng ấn tượng lên mức cao nhất 4 tháng, giá dầu thô đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Tư khi Bộ trưởng Năng lượng của Nga cho biết, sẽ có những khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa các nhà sản xuất lớn tại Doha vào Chủ nhật này.

Kết thúc phiên 13/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,41 USD (-0,98%), xuống 41,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,51 USD (-1,15%), xuống 44,18 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục