Sau phiên điều chỉnh đầu tuần, phố Wall đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô lên cao. Trong đó, chỉ số Dow Jones đã có ngày tăng điểm tốt nhất trong khoảng 1 tháng.
Không chỉ nhóm năng lượng, tất cả 10 chỉ số ngành của S&P đều tăng điểm trong phiên thứ Ba, trong đó chỉ số S&P năng lượng tăng 2,8%, ngành tăng thấp nhất là tài chính cũng tăng 1,3%.
Ngoài nhận sự hỗ trợ của giá dầu thô đang ở mức cao nhất 4 tháng, phố Wall tăng mạnh trong phiên thứ Ba còn nhờ lực mua gom mạnh của giới đầu tư để đón sóng kết quả kinh doanh quý I.
Trong thông tin khác, theo dữ liệu vừa công bố, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tháng 3 lên tới 108 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (53 tỷ USD) và cao hơn con số 104 tỷ USD như dự đoán của giới phân tích.
Trong khi đó, biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed cho thấy có sự trái chiều nhau trong giới lãnh đạo của cơ quan này khi Chủ tịch Fed Richmond và Kansas City ủng hộ việc tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, IMF lần thứ 4 trong năm cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do nguy cơ Brexit (Anh tách khỏi Liên minh châu Âu) và nguy cơ bất bình đẳng kinh tế.
Kết thúc phiên 12/4, chỉ số Dow Jones tăng 164,84 điểm (+0,94%), lêm 17.721,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,73 điểm (+0,97%), lên 2.061,72 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 38,69 điểm (+0,80%), lên 4.872,09 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có được sắc xanh trong phiên thứ Ba, nhưng vất vả hơn nhiều so với phố Wall. Chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng vào cuối phiên trong phiên đầy biến động nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu khai mỏ, trong khi nhóm ngân hàng bị chốt lời sau 2 phiên tăng ấn tượng. Cổ phiếu ngành khai mỏ tăng 3,2%, dẫn đầu trong số cổ phiếu ngành nhờ sự hỗ trợ bởi giá đồng ổn định và tín hiệu khả quan từ kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ nguyên liệu lớn nhất nhì thế giới.
Kết thúc phiên 12/4, chỉ FTSE 100 tại Anh tăng 42,27 điểm (+0,68%), lên 6.242,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 78,48 điểm (+0,81%), lên 9.761,47 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát tăng 33,28 điểm (+0,77%), lên 4.345,91 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Ba khi đồng yên rút lui khỏi mức cao nhất 17 tháng so với đồng USD, giúp cổ phiếu của các nhà xuất khẩu tăng mạnh.
Đà tăng mạnh của chứng khoán Nhật Bản giúp chứng khoán Hồng Kông cũng duy trì đà tăng khá vững trong phiên thứ Ba bất chấp chứng khoán Trung Quốc đại lục đảo chiều giảm trở lại.
Kết thúc phiên 12/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 177,66 điểm (+1,13%), lên 15.928,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 68,81 điểm (+0,34%), lên 20.509,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 10,31 điểm (-0,34%), xuống 3.023,65 điểm.
Giá vàng đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba sau khi lên mức cao nhất 3 tuần. Đồng USD giảm, giá dầu thô tăng chính là những yếu tố đang hỗ trợ cho giá kim loại quý.
Kết thúc phiên 12/4, giá vàng giao ngay giảm 2,4 USD (-0,19%), xuống 1.255,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,9 USD (+0,23%), lên 1.260,9 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Ba và duy trì ở mức cao nhất 4 tháng sau khi có thông tin 2 nhà sản xuất dầu thô lớn là Nga và Ả Rập Xê út đã đồng ý đóng băng sản lượng trong cuộc họp đang được chờ đợi sẽ diễn ra vào Chủ nhật tuần này.
Kết thúc phiên 12/4, giá dầu thô Mỹ tăng 1,81 USD (+4,48%), lên 42,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,86 USD (+4,3%), lên 44,69 USD/thùng.