Giới đầu tư toàn cầu chia nửa buồn vui

(ĐTCK) Trong khi phố Wall tiếp tục có phiên giảm điểm khá mạnh, thì chứng khoán châu Âu lại bất ngờ đảo chiều tăng mạnh lên mức cao nhiều năm trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, USD tăng mạnh lên mức cao 11,5 năm đã khiến vàng có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm khá trong ngày thứ Tư khi các dữ liệu công bố cho thấy, kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn trong quý I/2015 trước khi dữ liệu quan trọng nhất của tháng là bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ Sáu này.

Theo dữ liệu vừa công bố, bảng lương ADP trong lĩnh vực tư nhân trong tháng 2 tạo thêm 212.000 việc làm, thấp hơn kỳ vọng 215.000 việc làm và là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2014, nhưng đây được cho là mức phù hợp. Tuy vậy, con số của tháng 1 được điều chỉnh tăng so với báo cáo ban đầu, lên mức 250.000 người.

Các báo cáo này được coi là một chỉ báo quan trọng của báo cáo việc làm được công bố vào thứ Sáu tới đây.

Trong khi đó, báo cáo mới phát hành của Cục dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed) cho thấy sự lạc quan về một nền kinh tế mở rộng ở hầu hết các vùng, với chỉ một số áp lực từ năng lượng và thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông. Báo cáo cũng cho biết, trong ngành công nghiệp, đã có một số công việc riêng biệt tăng lương.

Một báo cáo khác của Markit cho biết, tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tăng nhẹ trong tháng 2, nhờ những cải tiến trong kinh doanh mới. Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ tăng lên 57,1 trong tháng 2, mức cao nhất kể từ tháng 10/2015. Đây là con số cao hơn chút ít so với con số công bố sơ bộ trước đó là 57,0 và tăng mạnh so với mức 54,2 trong tháng Giêng.

Trong khi đó, theo Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), chỉ số ISM trong lĩnh vực dịch vụ tăng lên mức 56,9 trong tháng 2, cao hơn mức dự báo của giới phân tích là 56,5.

Với các dữ liệu vừa công bố, cùng với các dữ liệu đã công bố trong 2 ngày đầu tuần không mấy khả quan, giới đầu tư tiếp tục bán mạnh trong phiên thứ Tư, kéo phố Wall tiếp tục giảm điểm, trong đó, S&P 500 đóng cửa dưới mức 2.100 điểm với hầu hết các chỉ số thành phần đều giảm, ngoại trừ y tế, Nasdaq cũng lùi xa dần mốc 5.000 điểm.

Charles Evans, Chủ tịch Fed Chicago cho biết, Fed nên chờ cho đến nửa đầu năm 2016 mới tăng lãi suất do lạm phát đang ở mức thấp. Trong khi đó, Chủ tịch FED Kansas City Esther George cho biết, nền kinh tế Mỹ được tiếp cận đầy đủ việc làm và rằng Fed nên tăng lãi suất vào giữa năm nay.

Tại một hội nghị ở Kansas City, George nói rằng, bà "không quá quan tâm" với lạm phát yếu gần đây, trong đó đã được kéo thấp hơn bởi sự sụt giảm của giá dầu. Tăng giá cho thuê và một số bằng chứng về việc tăng lương có thể có nghĩa là sự trở lại của lạm phát cao hơn trong tương lai.

Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Dow Jones giảm 106,47 điểm (-0,58%), xuống 18.096,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,25 điểm (-0,44%), xuống 2.098,53 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,76 điểm (-0,26%), xuống 4.967,14 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau khi mở cửa trong sắc xanh với dữ liệu tích cực của kinh tế Đức được công bố trước đó, các thị trường chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm do ảnh hưởng từ lực bán mạnh ở phố Wall. Tuy nhiên, bước vào nửa cuối phiên, lực mua đã ồ ạt đẩy vào ở các cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu khi đồng euro giảm xuống mức thấp nhất 11 năm rưỡi so với đồng USD, đẩy các chỉ số chứng khoán của khu vực đóng cửa ở mức cao nhất nhiều năm.

Đồng euro giảm mạnh so với đồng USD khi ISM công bố chỉ số dịch vụ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 2. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang hướng vào cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Năm này để xem thời điểm bắt đầu chương trình kích thích kinh tế mà cơ quan này đã đưa ra trước đó. Kỳ vọng vào khả năng ECB sẽ mua trái phiếu trong tháng sau cũng khiến đồng euro trượt giá mạnh.

Kết thúc phiên 4/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 30,11 điểm (+0,44%), lên 6.919,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 110,02 điểm (+0,98%), lên 11.390,38 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 48,10 điểm (+0,99%), lên 4.917,35 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng USD giảm trở lại so với đồng yên và tác động của phố Wall trong phiên trước đó cũng khiến chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất trong tuần.

Chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên giảm mạnh trong ngày thứ Tư do ảnh hưởng từ thị trường Âu, Mỹ tối hôm trước đó và doanh số bán lẻ của đặc khu này giảm. Bên cạnh đó, sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc đang niêm yết trên chứng khoán Hồng Kông cũng tác động tiêu cực tới chỉ số Hang Seng. Các cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc giảm khi giới đầu tư lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng như việc liên tục cắt giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng sẽ làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của các nhà băng.

Trong khi đó, giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm nay xuống còn 7%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 1/4 thế kỷ của nước này, nhưng chứng khoán Trung Quốc vẫn có củ nảy nhẹ trở lại sau phiên lao dốc không phanh trước đó.

Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 111,56 điểm (-0,59%), xuống 18.703,6 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 237,40 điểm (-0,96%), xuống 24.465,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 16,48  điểm (+0,51%), lên 3.279,53 điểm.

Trên thị trường vàng, dữ liệu về việc làm và chỉ số ngành dịch vụ của Mỹ giúp đồng USD tăng lên mức cao nhất 11,5 năm đã khiến vàng bị ảnh hưởng và tiếp tục có phiên giảm nhẹ trong ngày thứ Tư. Bên cạnh đó, báo cáo vừa công bố cho biết, nhu cầu vàng vật chất của các nước nhập khẩu lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thấp hơn dự kiến ​​trong tháng Giêng. Đây cũng là thông tin không tích cực đối với giá vàng.

Hiện giới đầu tư đang hướng vào 2 thông tin quan trọng là cuộc họp vào ngày thứ Năm của ECB và bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố vào thứ Sáu. Đây được cho là 2 thông tin quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn tới các thị trường, trong đó có thị trường vàng.

Kết thúc phiên 4/3, giá vàng giao ngay giảm 3,2 USD (-0,27%), xuống 1.200,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 3,5 USD/ounce (-0,29%), xuống 1.200,9 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô Brent được giao dịch quanh mức 60 USD thùng hôm thứ Tư sau khi Saudi Arabia tăng giá bán chính thức của cho các khách hàng châu Á và Mỹ vào hôm thứ Ba. Trong 7 tuần qua, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 30% từ mức thấp nhất 6 năm, khoảng 45 USD/thùng, bất chấp lo ngại tình trạng thừa cung toàn cầu.

Trong khi đó, bất chấp Cơ quan năng lượng Mỹ thông báo, kho dự trữ dầu thô hàng tuần đã tăng 10,3 triệu thùng, nhưng giá dầu thô Mỹ vẫn tăng khá mạnh trở lại trong phiên.

Kết thúc phiên 4/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,01 USD/thùng (+2,00%), lên 51,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,47 USD (-0,78%), xuống 60,55 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục