Tuy nhiên bước sang năm 2015, trong khi Nga nổi lên như một trong những thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất thì người hàng xóm Ukraine vẫn chưa hề có dấu hiệu hồi phục trở lại.
Theo số liệu của Bloomberg, chỉ số RTS của Nga tăng vọt 15% trong năm 2015, trong khi chỉ số Ukraine Equities đã giảm tới 49%. Điều này hoàn toàn trái ngược so với tình hình năm 2014, khi cả hai chỉ số tiêu chuẩn trên đều tụt xuống đáy cùng nhau và mất hơn 40% do các nhà đầu tư phản ứng trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập Crimea vào Nga.
Giới đầu tư quay trở lại Nga khi giá dầu đang dần ổn định và lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực tại Đông Ukraine, làm giảm mối lo ngại về những biện pháp trừng phạt quốc tế đối với vai trò của chính phủ tổng thống Putin trong cuộc xung đột tại Ukraine. Giá dầu thô Brent đã tăng 29% kể từ tháng 1/2015 giúp doanh thu xuất khẩu dầu khí của nước Nga tăng lên đáng kể.
Trong lúc này tại Kiev, chính phủ Ukraine vẫn đang cố gắng ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ với việc thương lượng lại các khoản nợ nước ngoài lên tới 16 tỷ USD.
Giám đốc vốn cổ phần của Otkritie Capital Ltd tại London, ông Kirill Yankovskiy cho biết: “Câu hỏi đặt ra lúc này là làm thế nào Ukraine có thể vượt qua được giai đoạn hỗn loạn của khủng hoảng kinh tế và xung đột tại miền đông để tái cấu trúc và cải tổ lại toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, những nguy cơ mà Nga phải đối mặt đã bớt đi nhiều do giá dầu đang có dấu hiệu ổn định lại khiến niềm tin vào thị trường Nga tăng lên”.
Quyết định đầu tư vào Nga thay vì Ukraine của các nhà đầu tư là hoàn toàn dễ hiểu. Đồng ruble (RUB) đang có tháng tăng trưởng ẩn tượng nhất kể từ năm 1993, trong khi các khoản vay nợ nước ngoài của Nga đã quay đầu giảm sau khi đạt mức cao nhất trong 5 năm qua vào tháng 12/2014. Còn đồng Hryvnia (UAH) của Ukraine đã giảm tới 53% so với đồng USD trong năm nay, mức giảm thảm hại nhất trên toàn cầu, và trái phiếu chính phủ cũng đang ở mức thấp kỷ lục buộc ngân hàng trung ương nước này thắt chặt kiểm soát tiền tệ.
Ngày 25/2 vừa qua, ngân hàng trung ương Ukraine đưa ra lệnh cấm toàn bộ các ngân hàng cho khách hàng vay tiền mua ngoại tệ và bắt đầu mua vào đồng USD trên thị trường. Tuy nhiên lệnh cấm này đã bị Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk bãi bỏ 1 ngày sau đó.
Phần lớn các ngành công nghiệp cơ bản của Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc xung đột và nền kinh tế có thể sẽ sụt giảm tới 5,5% trong năm 2015. Bộ trưởng Bộ tài chính Ukraine, bà Natalie Jaresko cho biết nước này đang tiến dần tới một thỏa thuận về gói vay khẩn cấp trị giá 17,5 tỷ USD với Qũy tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo hãng môi giới Auerbach Grayson And Company LLC tại New York, sự khởi sắc hiện tại của thị trường chứng khoán Nga có thể là xu hướng tạm thời khi mà dầu mỏ đang từng bước phục hồi khiến các nhà đầu trở nên tự tin hơn. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư vào Ukraine vẫn có thể khôi phục khi nước này có các giải pháp cho cuộc xung đột ở miền đông đất nước.
Phó chủ tịch một hãng nghiên cứu thị trường có trụ sở tại New York, ông Bhatnagar cho biết: “Các thị trường tài chính ở Nga bị trói buộc vào giá dầu khiến mức tăng trưởng hiện nay có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Chính bởi vậy, Nga cần một tình hình địa chính trị ổn định và giá dầu ở mức cao hơn để giảm bớt các nguy cơ cho nền kinh tế”.
Cả Nga và Ukraine đều đang phải đối mặt với những khó khăn riêng khi Mỹ và liên minh châu Âu cáo buộc Nga giúp đỡ cho phe li khai bằng việc cung cấp vũ khí, quân đội và tài trợ tiền thì Ukraine hiện vẫn chưa có khả năng tiếp cận được gói cứu trợ của IMF cho tới tháng 9/2015.
Tuy nhiên, giám đốc của Spiro Sovereing Strategy trụ sở tại London, ông Nicholas Spiro cho biết: “Các nhà đầu tư tuy vẫn còn lo ngại nhưng sẵn sàng đầu tư vào Nga hơn là tin tưởng vào lệnh ngừng bắn mong manh tại Ukraine”.