Giới đầu tư thất vọng với dữ liệu kinh tế tháng 7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi đầu tuần mới với một phiên giao dịch ảm đạm vào thứ Hai (2/8) khi nỗi lo về biến thể Covid-19 delta cũng như dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm lại làm lu mờ sự lạc quan xung quanh mùa báo cáo thu nhập mạnh mẽ.
Giới đầu tư thất vọng với dữ liệu kinh tế tháng 7

Đầu ngày thứ Hai, Viện Nghiên cứu Cung ứng công bố dữ liệu cho thấy ngành sản xuất của Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 7, song ghi nhận tốc độ của chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp. Lý do là chi tiêu của người dân đã quay trở lại với các dịch vụ và tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất vẫn tiếp diễn.

Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất do ISM khảo trong tháng 7 đã giảm xuống mức 59,5 từ mức 60,6 vào tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Trước đó, giới chuyên gia dự báo con số này sẽ ở mức 60,9.

Dữ liệu yếu hơn dự kiến ​​khiến lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức 1,184%, mức thấp nhất kể từ ngày 20/7. Đồng thời, sự tập trung của các nhà đầu tư hiện chuyển sang dữ liệu lĩnh vực dịch vụ vào thứ Tư (4/8) và báo cáo việc làm hàng tháng của Bộ Lao động vào thứ Sáu.

Sau loạt báo cáo quý II từ những gã khổng lồ công nghệ vào tuần trước, thị trường tuần này sẽ đổ dồn vào báo cáo của Eli Lilly, CVS Health và General Motors.

Kết thúc phiên 2/8, chỉ số Dow Jones giảm 97,31 điểm (-0,28%), xuống 34.838,16 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,10 điểm (-0,18%), xuống 4.387,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 8,39 điểm (+0,06%), lên 14.681,07 điểm.

Chứng khoán châu Âu khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khởi đầu tháng 8 mạnh mẽ khi giới đầu tư hứng khởi với loạt báo cáo kết quả quý II tích cực đến từ lĩnh vực tài chính.

Axa, công ty bảo hiểm lớn thứ hai châu Âu, công bố thu nhập ròng nửa đầu năm tăng 180%.

Ngân hàng HSBC vượt dự báo lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm và quyết định tiếp tục chi trả cổ tức.

Trong số hơn một nửa công ty thuộc STOXX 600 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II cho đến nay, 67% vượt dự báo, theo dữ liệu của Refinitiv.

Kết thúc phiên 2/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 49,42 điểm (+0,70%), lên 7.081,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 24,34 điểm (+0,16%), lên 15.568,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 63,14 điểm (+0,95%), lên 6.675,90 điểm.

Chứng khoán châu Á khởi đầu tháng 8 trong sắc xanh. Chứng khoán Nhật Bản tăng khá mạnh nhờ động lực lớn từ nhóm cổ phiếu vận tải biển và nhóm cổ phiếu chu kỳ khác.

Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông có phiên hồi phục mạnh nhờ lực cầu bắt đáy sau khi bị bán tháo trong những ngày cuối tháng trước.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm, được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu công ty công nghệ lớn nhờ dữ liệu xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ.

Kết thúc phiên 2/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 497,43 điểm (+1,82%), lên 27.781,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 66,93 điểm (+1,97%), lên 3.464,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 274,77 điểm (+1,06%), lên 26.235,80 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 20,72 điểm (+0,65%), lên 3.22304 điểm.

Giá vàng đêm qua giảm nhẹ trong bối cảnh đồng USD suy yếu lợi suất trái phiếu cũng giảm. Thị trường thận trọng sau khi nhận được báo cáo cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất đang chậm lại.

Kết thúc phiên 2/8, giá vàng giao ngay giảm 0,5 USD (-0,03%), xuống 1.813,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 5,30 USD (0,29%), xuống 1.819,8 USD/ounce.

Giá dầu giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai sau khi chứng kiến dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc và Mỹ, những quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Đồng thời, sản lượng dầu thô cao hơn từ các nhà sản xuất OPEC từ tháng 8 cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dư thừa.

Kết thúc phiên 2/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,69 USD (-3,6%), xuống 71,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,52 USD (-3,3%), xuống 72,89 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục