Giới đầu tư thất vọng với dữ liệu kinh tế kém cỏi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (3/9) sau báo cáo việc làm tháng 8 đáng thất vọng.
Giới đầu tư thất vọng với dữ liệu kinh tế kém cỏi

Tháng 8, nền kinh tế Mỹ tạo ra ít việc làm nhất trong vòng 7 tháng qua, do tuyển dụng trong lĩnh vực giải trí và khách sạn bị đình trệ trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu cho biết, nền kinh tế nước này tạo ra thêm 235.000 việc làm trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với dự báo 720.000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế Dow Jones. Đây cũng là sự suy giảm đáng kể từ con số điều chỉnh của tháng 7 là 1.053.000 việc làm.

Con số trên là một sự thất vọng lớn, và rõ ràng biến thể delta đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế lao động trong mùa hè này.

Mặc dù vậy, vẫn có một số điểm sáng là tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng, ghi nhận 5,2%. Tiền lương tăng 0,6%, sau khi tăng 0,4% trong tháng 7.

Thị trường lao động vẫn là nền tảng quan trọng đối với Fed khi Chủ tịch Jerome Powell tuần trước gợi ý, việc đạt được toàn dụng lao động là điều kiện tiên quyết để ngân hàng trung ương bắt đầu ngừng chương trình mua lại tài sản hàng tháng.

Mặt khác, trong cuộc họp báo cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người dân tiêm vắc-xin nhiều hơn và Quốc hội cần thông qua các dự luật ngân sách và cơ sở hạ tầng. Ông Biden cũng cho biết, các bang nên xem xét sử dụng tiền cứu trợ liên bang để gia hạn các khoản trợ cấp thất nghiệp nâng cao, vốn sẽ hết hạn trong tuần này.

Chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm nhẹ trong phiên đêm qua, tuy nhiên, đối với Nasdaq Composite ghi nhận chiến thắng thứ năm trong sáu phiên gần đây nhờ dòng tiền đổ xô vào cổ phiếu công nghệ.

Diễn biến tương tự cũng được nhìn thấy ở Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures trong phiên giao dịch ngoài giờ.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số Dow Jones giảm 74,73 điểm (-0,21%), xuống 35.369,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,52 điểm (-0,03%), xuống 4.535,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 32,34 điểm (+0,21%), lên 15.363,52 điểm.

Trong tuần, S&P 500 tăng 0,58%, Dow Jones giảm 0,24% và Nasdaq tăng 1,55%.

Chứng khoán châu Âu sụt giảm trong phiên cuối tuần, sau khi dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến cổ phiếu ngành bán lẻ và du lịch có liên quan đến thị trường Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 25,55 điểm (-0,36%), xuống 7.138,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 59,39 điểm (-0,37%), xuống 15.781,20 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 73,09 điểm (-1,08%), xuống 6.689,99 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 0,14%, DAX giảm 0,45%, CAC 40 tăng 0,12%.

Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục biến động trái chiều trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản tăng sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố không tái tranh cử chức chủ tịch đảng cầm quyền và sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong tháng này, mở đường cho việc lựa chọn lãnh đạo mới.

Thủ tướng Suga bị chỉ trích vì cách ứng phó Covid-19 tại Nhật Bản, trong đó có tổ chức Olympic Tokyo khi thành phố trong tình trạng khẩn cấp.

Chứng khoán Trung Quốc đi xuống trong bối cảnh dữ liệu kinh tế kém cỏi. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit lĩnh vực dịch vụ tháng 8 của Trung Quốc chỉ đạt 46,7 điểm, giảm mạnh so với mức 54,9 điểm của tháng 7.

Trước đó, PMI phi sản xuất chính thức cũng cho thấy sự suy giảm trong tháng 8, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020.

Chứng khoán Hong Kong chìm trong sắc đỏ sau khi “gã khổng lồ” công nghệ Alibaba tuyên bố quyên góp hơn 15 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện để hưởng ứng lời kêu gọi người giàu đóng góp nhiều hơn cho xã hội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Điều này đã khiến giá cổ phiếu của Alibaba giảm hơn 3% tại thị trường Hong Kong trước những lo lắng về triển vọng lợi nhuận trong những tháng cuối năm của tập đoàn này.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm theo chân phố Wall đêm trước đó.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 584,60 điểm (+2,05%), lên 29.128,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,31 điểm (-0,43%), xuống 3.581,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 188,44 điểm (-0,72%), xuống 25.901,99 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 35,21 điểm (+0,79%), lên 3.201,06 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 tăng 5,38%, Shanghai Composite tăng 1,69%, Hang Seng tăng 1,94%, KOSPI tăng 2,14%.

Giá vàng đêm qua tăng vọt sau báo cáo kém cỏi trên thị trường việc làm Mỹ. Vàng đang thu hút dòng tiền mạnh và giới quan sát cho rằng, kim loại quý này có thể đã bắt đầu một chu kỳ tăng mới vượt ngưỡng 1.900 USD.

Kết thúc phiên 3/9, giá vàng giao ngay tăng 18,00 USD (+0,99%), lên 1.827,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 22,10 USD (+1,22%), lên 1.831,50 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,6%, giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 0,8%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall, có 10 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 2 người cho rằng giá vàng sẽ giảm và 3 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 637 người tham gia, 65% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 19% cho rằng giá vàng giảm và 16% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu thô đứt đà tăng, sau khi báo cáo việc làm yếu kém của Mỹ ​​cho thấy sự phục hồi kinh tế chắp vá có thể đồng nghĩa với việc nhu cầu nhiên liệu chậm hơn trong bối cảnh đại dịch đang bùng phát trở lại.

Tổn thất được giới hạn bởi lo ngại rằng nguồn cung của Mỹ sẽ vẫn bị hạn chế sau cơn bão Ida khiến sản lượng từ Vịnh Mexico bị cắt giảm.

Kết thúc phiên 3/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,70 USD (-1%), xuống 69,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,42 USD (-0,58%), xuống 72,61 USD/thùng.

Trong tuần, dầu Brent giảm 0,1%, dầu WTI tăng 0,8%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 0.0 0.0% 624 tỷ
HNX 244.24 0.32 0.13% 43 tỷ
UPCOM 91.66 0.18 0.19% 23 tỷ