Kinh tế trên đà phục hồi, giới đầu tư tích cực gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục có phiên giao dịch tích cực vào hôm thứ Năm (2/9) sau khi đón nhận dữ liệu kinh tế khả quan.
Kinh tế trên đà phục hồi, giới đầu tư tích cực gom hàng

Báo cáo thất nghiệp hàng tuần của Bộ Lao động, dữ liệu cập nhật nhất về sức khỏe của nền kinh tế, được công bố hôm thứ Năm cho thấy, số người Mỹ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua.

Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã giảm 14.000 đơn, xuống còn 340.000 trong tuần kết thúc vào ngày 28/8, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020, thời điểm các doanh nghiệp bắt buộc phải đóng cửa lần đầu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19

Tuy nhiên trọng tâm của thị trường vẫn là báo cáo thị trường việc làm tháng 9 sẽ được công bố vào ngày 3/9, dữ liệu quan trọng nhiều khả năng ảnh hưởng đến quyết định chính sách của Fed.

Lĩnh vực năng lượng trở thành điểm sáng trên thị trường đêm qua, đi ngược diễn biến ba phiên đầu tuần nhờ giá dầu thô tăng và đồng USD yếu hơn. Cabot Oil & Gas và Occidental Petroleum lần lượt tăng 6,7% và 6%, trong khi Exxon Mobil và Chevron Corp đều tăng hơn 2%.

Mặt khác, cổ phiếu công nghệ rơi vào vùng tiêu cực do một số “gã khổng lồ” trong ngành chứng kiến ​​đà phục hồi bắt đầu chậm lại.

Amazon.com, Microsoft, Facebook và Alphabet giảm từ 0,2% đến 1,8%. Ngoại lệ đáng chú ý là Netflix tăng 1,1% và đóng cửa ở mức cao kỷ lục.

Bộ ba chỉ số chính đều ghi nhận tăng điểm trong phiên đêm qua, trong đó S&P 500 và Nasdaq Composite lập đỉnh lịch sử mới. Trong phiên giao dịch ngoài giờ khi, cả Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures cũng đang leo dốc.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số Dow Jones tăng 131,29 điểm (+0,37%), lên 35.443,82 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,86 điểm (+0,28%), lên 4.536,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 21,80 điểm (+0,14%), lên 15.331,18 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng trong phiên giao dịch thứ Năm nhờ đà tăng của cổ phiếu năng lượng khi giá dầu tăng. Mặt khác, tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao đã và đang hỗ trợ sự phục hồi kinh tế trên toàn châu Âu.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,06 điểm (+0,20%), lên 7.163,90 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 16,30 điểm (+0,10%), lên 15.840,59 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 4,39 điểm (+0,06%), lên 6.763,08 điểm.

Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 2/9 do những lo ngại mới về việc Trung Quốc siết chặt quản lý các công ty công nghệ đang “lấn át” sự lạc quan về triển vọng phục hồi trên thế giới và nỗi lo về dịch Covid-19 dịu xuống.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 92,49 điểm (+0,33%), lên 28.643,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 29,94 điểm (+0,84%), lên 3.597,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 62,14 điểm (+0,24%), lên 26.090,43 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 31,17 điểm (0,97%), lên 3.175,85 điểm.

Giá vàng trên đêm qua lao dốc nhưng vẫn trụ trên ngưỡng hỗ trợ 1.800 USD/ounce trước thời điểm Mỹ công bố báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 8, bất chấp đồng USD suy yếu. Vàng không có nhiều biến động trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đa số ổn định, không có nhiều biến động.

Kết thúc phiên 2/9, giá vàng giao ngay giảm 5,00 USD (-0,28%), xuống 1.809,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 4,40 USD (-0,24%), xuống 1.809,40 USD/ounce.

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm nhờ lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu bất chấp đại dịch, bên cạnh tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự báo.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết hôm thứ Tư, tồn kho dầu thô của nước này giảm 7,2 triệu thùng trong tuần trước. Trong khi đó, cơn bão Ida khiến khoảng 80% sản lượng dầu và khí đốt của Vịnh Mexico bị đình trệ. Các nhà máy lọc dầu ở Louisiana có thể mất vài tuần để hồi phục.

Kết thúc phiên 2/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,40 USD (+2%), lên 69,99 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,44 USD (+2%), lên 73,03 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục