Trong phiên thứ Ba, giới đầu tư nhận thông tin không mấy tích cực về kinh tế khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 và 2019 từ 3,9% xuống 3,7% do lo ngại căng thẳng thương mại. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm gần đây IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lặp lại một mối đe dọa áp đặt thuế nhập khẩu trị giá 267 tỷ USD nếu Bắc Kinh trả đũa các khoản áp thuế gần đây và các biện pháp khác mà Mỹ đã thực hiện trong cuộc chiến thương mại leo thang của các quốc gia này.
Với những thông tin trên, dù lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hạ nhiệt trở lại sau khi lên mức cao nhất 7 năm, nhưng nhà đầu tư vẫn không có hào hứng trở lại với thị trường chứng khoán, khiến phố Wall giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 9/10, chỉ số Dow Jones giảm 56,21 điểm (-0,21%), xuống 26.430,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,09 điểm (-0,14%), xuống 2.880,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,07 điểm (+0,03%), lên 7.738,02 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu hồi phục trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu lấy lại đà tăng, cùng mối lo ngại cuộc đối đầu giữa Ý và Liên minh châu Âu xung quanh kế hoạch thâm hụt ngân sách của quốc gia này giảm bớt.
Kết thúc phiên 9/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,26 điểm (+0,06%), lên 7.237,59 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 30,06 điểm (+0,25%), lên 11.977,22 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 18,31 điểm (+0,35%), lên 5.318,55 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, tác động từ việc đồng nhân dân tệ suy giảm, nhiều cổ phiếu của các tập đoàn Nhật Bản có giao thương với Trung Quốc cũng giảm mạnh, kết hợp với nỗi lo về căng thăng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh ngay khi trở lại sau phiên nghỉ đầu tuần, xuống mức thấp nhất 3 tuần. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên giảm thứ 6 liên tiếp do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại và nỗi lo về tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại hồi phục nhẹ sau phiên bán tháo đầu tuần.
Kết thúc phiên 9/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 314,33 điểm (-1,32%), xuống 23.469,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,5 điểm (+0,17%), lên 2.721,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 29,66 điểm (-0,11%), xuống 26.172,91 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi giảm mạnh phiên đầu tuần, giá vàng đã hồi nhẹ trở lại nhờ đồng USD suy yếu.
Kết thúc phiên 9/10, giá vàng giao ngay tăng 1,6 USD (+0,13%), lên 1.189,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 2,9 USD/ounce (+0,24%), lên 1.191,5 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô lấy lại đà tăng mạnh sau khi dữ liệu cho thấy, xuất khẩu dầu thô của Iran giảm trước khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực. Ngoài ra, giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi thông tin một số giàn khoan tại vịnh Mexico sẽ phải đóng cửa do ảnh hưởng của cơn bão Michael.
Kết thúc phiên 9/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,41 USD (+0,55%), lên 74,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,95 USD (+1,13%), lên 84,86 USD/thùng.