Giới đầu tư thận trọng đợi tuyên bố của Tổng thống Trump

(ĐTCK) Tân Tổng thống Mỹ cho biết, sẽ công bố chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cam kết tranh cử vào thứ Ba. Sau tuyên bố này, giới đầu tư tỏ ra thận trọng để chờ đợi, khiến chứng khoán chỉ lình xình, trong khi giá vàng giảm trong phiên giao dịch đầy biến động.
Giới đầu tư đang chờ đợi chính sách kinh tế cụ thể đầu tiên của Tổng thống Trump (Ảnh minh họa: AFP) Giới đầu tư đang chờ đợi chính sách kinh tế cụ thể đầu tiên của Tổng thống Trump (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán Mỹ tiếp tục nhích nhẹ trong phiên đầu tuần mới, nhưng chừng đó cũng đủ để Dow Jones có phiên thứ 12 liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Chứng khoán Mỹ duy trì đà tăng nhẹ khi giới đầu tư thận trọng về chính sách kinh tế cụ thể của Tổng thống Donald Trump. Tân Tổng thống Mỹ cho biết, ông sẽ công bố chính sách đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng như cam kết tranh cử vào thứ Ba tuần này.

Chuỗi 12 phiên liên tiếp thiết lập đỉnh cao của Dow Jones san bằng kỷ lục mà chỉ số này có được kể từ năm 1987. Tuy nhiên, chuỗi tăng điểm liên tiếp lần này, Dow Jones chỉ có mức tăng 3,9% so với mức tăng 9,2% cách đây 30 năm.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số Dow Jones tăng 15,68 điểm (+0,08%), lên 20.837,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,41 điểm (+0,10%), lên 2.369,75 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 16,59 điểm (+0,28%), lên 5.861,90 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng phục hồi sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước, nhưng mức tăng cũng rất khiêm tốn khi giới đầu tư cũng đang chờ đợi thông tin chính thứ từ bên kia bờ Đại Tây Dương.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,30 điểm (+0,13%), lên 7.253,00 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 18,64 điểm (+0,16%), lên 11.822,67 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 0,06 điểm (-0,00%), xuống 4.845,18 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm trong phiên thứ Hai và xuống mức thấp nhất 2 tuần rưỡi do đồng yên tăng mạnh, lần đầu tiên xuống dưới 112 yên đổi 1 USD kể từ ngày 9/2. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu tài chính cũng giảm mạnh khi trái phiếu chính phủ Mỹ giảm.

Chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong ngày đầu tuân mới khi dường như thị trường đang có dấu hiệu mệt mõi sau chuỗi tăng điểm ấn tượng gần 2 tuần qua, cũng như ảnh hưởng từ sự sụt giảm mạnh của chứng khoán Trung Quốc đại lục.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên giảm mạnh, trong đó nhóm bluechip có phiên giảm mạnh nhất 2 tháng qua khi nhà đầu tư lo lắng về những quy định siết chặt, làm giảm kỳ vọng dòng tiền chảy mạnh từ các quỹ bảo hiểm hưu trí, cũng như của các công ty bảo hiểm.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số Nikkie 225 giảm 176,07 điểm (-0,91%), xuống 19.107,47 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 40,65 điểm (-0,17%), xuống 23.925,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 24,37 điểm (-0,75%), xuống 3.228,66 điểm.

Giá vàng có phiên giao dịch đầy biến động đầu tuần mới. Lình xình trong suốt phiên châu Á và châu Âu, giá vàng bất ngờ tăng vọt lên mức cao nhất 3,5 tháng vào giữa phiên Mỹ, lên sát 1.264 USD/ounce nhờ đồng USD giảm. Tuy nhiên, về cuối phiên, đồng USD đảo chiều tăng khi Tổng thống Mỹ cho biết, sẽ công bố chính sách đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng vào thứ Ba, khiến giá vàng đảo chiều và đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 27/2, giá vàng giao ngay giảm 4,8 USD (-0,38%), xuống 1.252,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 0,8 USD (+0,06%), lên 1.258,8 USD/ounce.

Giá dầu thô vẫn chịu tác động bởi các thông tin trái ngược. Trong khi việc OPEC thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng hỗ trợ cho giá dầu, thì dự báo gia tăng sản lượng của Mỹ ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu.

Kết thúc phiên 27/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,06 USD/thùng (+0,11%), lên 54,05 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD (-0,11%), xuống 55,93 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục