Sau khi rút lui bất ngờ, vốn ngoại đang quay lại châu Á

(ĐTCK) Các quỹ đầu tư đang quay trở lại châu Á sau khi nhanh chóng rút lui trước tác động từ sự kiện tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Sau khi lùi một bước để nhìn rõ hơn, các nhà quản lý quỹ đang tập trung sự chú ý vào Ấn Độ và Indonesia, coi đây là những điểm đến thu hút dòng tiền bậc nhất tại châu Á.
Sau khi rút lui bất ngờ, vốn ngoại đang quay lại châu Á

Dưới đây là quan điểm của các quỹ đầu tư hàng đầu, bao gồm BlackRock Inc, Aberdeen Asset Management Plc và Aviva Investors về cách lựa chọn điểm đầu tư tại châu Á, dưới thời của Tổng thống Trump, kỳ vọng về đồng USD và cách nhìn của ngân hàng trung ương các quốc gia châu Á.

Cuộc cải tổ của Tổng thống Widodo

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mạnh tay thay đổi thói quan liêu trong bộ máy hành chính, thực hiện chương trình ân xá thuế giúp bổ sung hơn 7 tỷ USD vào ngân sách chỉ trong vài tháng, đem đến viễn cảnh tương lai tươi sáng hơn cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. Bên cạnh đó, ông Widodo đã lên kế hoạch quy mô lớn cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia, với việc xây dựng cảng biển, đường bộ và đường sắt nhằm thúc đẩy tăng trưởng lên mức 7% cho tới cuối nhiệm kỳ của mình.

Những cải tổ này đã tạo thành “bước đà về đúng hướng cho phát triển kinh tế, trong khi vẫn giữ được sự chừng mực, không gây mất cân bằng cho tài khoản vãng lai. Đây là yếu tố giữ cho đồng tiền Indonesia duy trì giao dịch ở mức tích cực”, Leong Lin-Jing, nhà quản lý đầu tư tại Aberdeen Asset Management, quỹ đầu tư đang quản lý 374 tỷ USD tài sản vào cuối năm 2016 cho biết.

Bên cạnh đó, BlackRock, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới xét về giá trị tài sản, cũng xếp hạng tài sản nợ của Indonesia ở top đầu các tài sản đầu tư tại châu Á, chỉ sau Ấn Độ, theo Neeraj Seth, người đứng đầu bộ phận tín dụng châu Á của BlackRock, hiện đang quản lý 5,1 nghìn tỷ USD tài sản.

Hiện tại, mức lãi suất trái phiếu bằng USD do các công ty Indonesia phát hành trung bình đã giảm xuống thấp hơn so với các công ty Trung Quốc lần đầu tiên kể từ tháng 5/2015. Con số này được dự báo sẽ giữ ở mức thấp bởi triển vọng lạc quan của nền kinh tế Indonesia, môi trường chính trị ổn định và sức mạnh được duy trì của đồng nội tệ, Lakshmanan R, chuyên gia phân tích cấp cao tại CreditSights Singapore LLC cho biết. 

Quỹ đầu tư tìm về châu Á

Theo Mary Nicola, chiến lược gia đầu tư tại Aviva Investor: “Mặc dù có nhiều điều chưa chắc chắn, nhưng tính chất bất ổn tại thị trường châu Á đang ở mức khá thấp. Trong bối cảnh này, chúng tôi đánh giá cao trái phiếu của Indonesia bởi các yếu tố cơ bản hỗ trợ tốt. Bên cạnh đó, các tài sản đầu tư tại Ấn Độ cũng là lựa chọn được ưu chuộng, đặc biệt là đồng rupee. Đồng tiền này ít có biến động mạnh so với các đồng tiền khác và có mức độ tách biệt nhất định với các chính sách mang hơi hướng bảo hộ kinh tế nội địa của Tổng thống Trump”.

Neeraj Seth của BlackRock nhận định rằng, các quỹ đầu tư sẽ tiếp tục quay trở lại châu Á, sau khi rút lui trước tác động bất ngờ từ việc tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

“Bạn sẽ chứng kiến dòng tiền tiếp tục quay trở lại. Hiện tại, các quỹ đầu tư đã có được cái nhìn toàn cảnh hơn về những giá trị khác biệt giữa thị trường phát triển và thị trường mới nổi. Bởi vì châu Á đang có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn so với các nền kinh tế đang phát triển khác, tôi cho rằng dòng tiền chảy về đây sẽ diễn ra mạnh”, Seth nói.

Bên cạnh đó, theo Seth, còn quá sớm để ước lượng tác động từ những chính sách bảo hộ nền kinh tế nội địa của Mỹ đối với trái phiếu châu Á. Trong thời gian tới, Mỹ sẽ tái thảo luận các hiệp định thương mại của mình với phần còn lại của thế giới, nhưng điều này không gây gián đoạn lớn tới dòng tiền đầu tư vào châu Á. 

Chính sách tiền tệ phân hóa

Đồng USD được kỳ vọng sẽ trụ vững đà tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiến hành thắt chặt tiền tệ hơn nữa, theo Nicola. “Nếu Fed tiến hành nâng lãi suất, chúng tôi cho rằng sẽ có 3 đợt trong năm nay. Trong bối cảnh này, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục nới lỏng sẽ tạo ưu ái cho sức mạnh của đồng USD”.

Tại châu Á, đa phần các ngân hàng trung ương đều đang ở giai đoạn cuối của chương trình nới lỏng tiền tệ, BlackRock cho biết. Trung Quốc đã bắt đầu việc thắt chặt và nhiều khả năng, Philippines và Malaysia cũng sẽ cân nhắc việc nâng lãi suất. Trong khi đó, Indonesia có thể là ngoại lệ, bất chấp việc quốc gia này đã hạ lãi suất 6 lần trong năm 2016, theo Leong của Aberdeen.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục