Chờ đợi kết quả chính thức từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, phố Wall giao dịch giằng co trong phiên thứ Năm. Sau cuộc đàm phán kết thúc tuần trước tại Bắc Kinh, các bên sẽ tiếp tục đàm phán tại Washington. Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Trung Quốc vào thứ Năm (4/4).
Kỳ vọng về việc 2 bên đạt được thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng qua đã giúp chứng khoán toàn cầu, trong đó có phố Wall tăng mạnh trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện thận trọng để chờ thông tin chính thức được công bố.
Trong phiên thứ Năm, thị trường nhận được thông tin hỗ trợ khi dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tuần trước giảm xuống mức thấp nhất 49 năm, cho thấy thị trường lao động vẫn đang rất vững chắc.
Thông tin trên, cùng với đà tăng của cổ phiếu Boeing (+2,9%) và Facebook (+1,4%), giúp Dow Jones bật tăng khá mạnh, S&P 500 cũng đảo chiều thành công chốt phiên với sắc xanh, đóng cửa ở mức cao nhất gần 6 tháng. Trong khi đó, đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ khiến Nasdaq đóng cửa với sắc đỏ nhạt, chấm dứt chuỗi tăng ấn tượng.
Kết thúc phiên 4/4, chỉ số Dow Jones tăng 166,50 điểm (+0,64%), lên 26.384,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,99 điểm (+0,21%), lên 2.879,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,77 điểm (-0,05%), xuống 7.891,78 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, tâm lý thận trọng chờ đợi thông báo chính thức từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, cùng với việc tăng trưởng kinh tế Ý năm 2019 được dự báo giảm từ tăng 1% xuống chỉ còn tăng 0,1% cũng khiến nhiều chỉ số chính của khu vực quay đầu điều chỉnh, ngoại trừ chứng khoán Đức có phiên tăng thứ 4 liên tiếp nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thông tin UniCredit của Ý quan tâm đến việc mua Ngân hàng Commerzbank của Đức.
Kết thúc phiên 4/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,34 điểm (-0,22%), xuống 7.401,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 33,61 điểm (+0,28%), lên 11.988,01 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 5,10 điểm (-0,09%), xuống 5.463,80 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh khi nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông lại thận trọng chờ đợi công bố chính thức của Bắc Kinh và Washington về kết quả đàm phán.
Kết thúc phiên 4/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 11,74 điểm (+0,05%), lên 21.724,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 30,28 điểm (+0,94%), lên 3.246,57 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 50,07 điểm (-0,17%), xuống 29.936,32 điểm.
Giá vàng có phiên biến động mạnh trong ngay thứ Năm. Sau khi tăng nhẹ trong phiên Á, Âu, giá vàng bất ngờ rơi thẳng đứng khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, xuống sát ngưỡng 1.280 USD/ounce nhờ dữ liệu thị trường lao động Mỹ khả quan. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy gia tăng, cùng với một báo cáo của châu Âu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Ý từ 1% xuống 0,1%. Với hệ thông tài chính vốn đang yếu ớt của Ý, việc tăng trưởng dự kiến sụt giảm mạnh này có thể ảnh hưởng tới hệ thống tài chính khu vực eurozone, gây ra những rủi ro đáng kể, thậm chí có thể lan rộng toàn cầu.
Kết thúc phiên 4/4, giá vàng giao ngay tăng 2,4 USD (+0,19%), lên 1.291,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1 USD (-0,08%), xuống 1.294,3 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, trong khi giá dầu thô Brent tiếp tục tăng có lúc lên mức 70 USD/thùng lần đầu kể từ tháng 11/2018 do kỳ vọng nguồn cung thắt chặt, thì giá dầu thô Mỹ lại tiếp tục giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 4/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,36 USD (-0,58%), xuống 62,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,09 USD (+0,13%), lên 69,40 USD/thùng.