Theo cuộc khảo sát độc lập của Reuters, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 của Trung Quốc là 50,8 điểm, vượt con số dự báo 49,9 điểm. PMI trên 50 thể hiện hoạt động sản xuất mở rộng và ngược lại.
Tiếp đó, dữ liệu kinh tế Mỹ công bố cũng cho thấy, sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 3 cũng tốt hơn dự kiến, giúp các nhà đầu tư bỏ qua dữ liệu bán lẻ yếu kém của tháng 2.
Dữ liệu kinh tế của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa công bố giúp giải tỏa bớt nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cùng với dữ liệu kinh tế tích cực, nhà đầu tư cũng nhận tin vui về triển vọng của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang có tiến triển tốt, giúp phố Wall có phiên giao dịch khởi sắc. Ngoài ra, cổ phiếu ô tô cũng có phiên tăng mạnh sau khi Trung Quốc quyết định tiếp tục trì hoãn áp thuế bổ sung với xe và phụ tùng xe nhập khẩu của Mỹ sau ngày 1/4.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Dow Jones tăng 329,74 điểm (+1,27%), lên 26.258,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,79 điểm (+1,16%), lên 2.867,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 99,59 điểm (+1,29%), lên 7.828,91 điểm.
Tương tự, nhận thông tin tích cực từ dữ liệu kinh tế Trung Quốc, cùng tiến triển tích cực của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng giúp chứng khoán châu Âu có phiên khởi sắc trong ngày giao dịch đầu tuần mới, cũng là phiên đầu tiên của quý II. Tuy nhiên, chứng khoán Anh hạn chế đà tăng khi Quốc hội Anh không tìm ra được giải pháp thay thế cho tiến trình Brexit sau khi 3 lần bác thỏa thuận do Thủ tướng Theresa May đệ trình.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 38,19 điểm (+0,52%), lên 7.317,38 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 155,95 điểm (+1,35%), lên 11.681,99 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 55,01 điểm (+1,03%), lên 5.405,53 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, những dữ liệu kinh tế tích cực mới của Trung Quốc vừa công bố,cùng với diễn biến tích cực của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung giúp thị trường khu vực tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ 5/2018, chứng khoán Hồng Kông cũng lên mức cao nhất 9 tháng.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 303,22 điểm (+1,43%), lên 21.509,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 79,60 điểm (+2,58%), lên 3.170,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 510,66 điểm (+1,76%), lên 29.562,02 điểm.
Trên thị trường, sự phục hồi của đồng USD, cùng sự khởi sắc của chứng khoán khiến giá vàng quay đầu giảm trong nửa cuối phiên Mỹ.
Kết thúc phiên 1/4, giá vàng giao ngay giảm 4,7 USD (-0,36%), xuống 1.287,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 2,4 USD (-0,19%), xuống 1.288,4 USD/ounce.
Dữ liệu kinh tế tích cực vừa công bố, cùng kỳ vọng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung giúp giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh và lên mức cao nhất kể từ năm 2019.
Kết thúc phiên 1/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,45 USD (+2,41%), lên 61,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,43 USD (+2,09%), lên 69,01 USD/thùng.