Sau cuộc họp cuối cùng của năm 2020 kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hứa hẹn sẽ tiếp tục bơm tiền mặt vào thị trường tài chính để chống lại suy thoái kinh tế, ngay cả khi triển vọng của nền kinh tế trong năm tới được cải thiện sau khi triển khai vắc-xin Covid-19.
Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định giữ nguyên quy mô mua trái phiếu hàng tháng ở mức ít nhất 120 tỷ USD, trong đó bao gồm 80 tỷ USD cho trái phiếu chính phủ và 40 tỷ USD cho chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp. FOMC cũng nhất trí giữ nguyên lãi suất ở mức 0 – 0,25% cho đến ít nhất là năm 2023.
Trong khi đó, các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ đã đưa ra được một dự luật chung về gói viện trợ kinh tế bổ sung trị giá 900 tỷ USD, bao gồm một đợt thanh toán bằng tiền mặt 600 - 700 USD cho mỗi người dân và gia hạn trợ cấp thất nghiệp.
Quốc hội có thể bắt đầu bỏ phiếu cho dự luật này trong vòng 24 giờ tới, Reuters dẫn lời các nhà lập pháp Mỹ cho biết. Thông tin này trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có cuộc gặp với các lãnh đạo phe phái tại Quốc hội Mỹ vào tối ngày 15/12.
Về dữ liệu kinh tế, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 11 đã giảm 1,1% so với tháng 10 do nhiễm tình hình dịch bệnh và thu nhập hộ gia đình giảm ảnh hưởng đến chi tiêu.
Kết thúc phiên 16/12, chỉ số Dow Jones giảm 44,77 điểm (-0,15%), xuống 30.154,54 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,55 điểm (+0,15%), lên 3.701,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 63,13 điểm (+0,13%), lên 12.658,19 điểm.
Chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư nhờ dữ liệu hoạt động kinh doanh trong khu vực lạc quan, hy vọng về một thỏa thuận thương mại Brexit được cải thiện và khả năng triển khai vắc xin Covid-19 trước năm mới.
Theo báo cáo sơ bộ từ nghiên cứu của IHS/Markit, hoạt động kinh doanh của Eurozone đã gần ở mức ổn định trong tháng 12. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của của khu vực này đã tăng lên mức cao nhất trong 31 tháng, đạt 55,5 điểm trong tháng 12, tăng từ mức 53,8 trong tháng 11. Thêm vào đó, chỉ số PMI dịch vụ đã tăng lên mức cao nhất trong ba tháng là 47,3.
Trong khi đó, một quan chức của Ủy ban châu Âu cho biết EU có thể đưa ra phê duyệt sử dụng cuối cùng cho vắc-xin Covid-19 Pfizer/BioNTech sớm nhất là vào ngày 23/12.
Kết thúc phiên 16/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 57,59 điểm (+0,88%), lên 6.570,91 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 203,11 điểm (+1,53%), lên 13.565,98 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 17,37 điểm (+0,31%), lên 5.547,68 điểm.
Chứng khoán châu Á giao dịch lạc quan hơn trong phiên ngày thứ Tư. Chứng khoán Nhật Bản nhận ảnh hưởng tích cực từ phố Wall đêm qua, đồng thời thị trường được nhóm các cổ phiếu liên quan đến Apple nâng đỡ.
Chứng khoán Trung Quốc thêm một phiên giảm nhẹ khi sự lạc quan về sự phục nền kinh tế đã bù đắp sự yếu kém của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Kết thúc phiên 16/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 69,56 điểm (+0,26%), lên 26.757,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,25 điểm (-0,00%), xuống 3.366,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 253,00 điểm (+0,97%), lên 26.460,29 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 14,97 điểm (+0,54%), lên 2.771,79 điểm.
Giá vàng thế giới hôm nay 17/12 tiếp tục tăng vọt khi USD giảm nhanh và tuyên bố giữ nguyên lãi suất của Fed.
Kết thúc phiên 16/12, giá vàng giao ngay tăng 11,30 USD (+0,61%), lên 1.865,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 ngay tăng 3,80 USD (+0,20%), lên 1.859,10 USD/ounce.
Giá dầu tăng trong phiên thứ Tư nhờ dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm trong tuần trước, đồng thời thị trường đang sự lạc quan về một gói viện trợ kinh tế mới.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 11/12, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Mức giảm này nhiều hơn nhiều so với mức giảm 1,9 triệu thùng được dự báo trước đó.
Kết thúc phiên 16/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,20 USD (+0,4%), lên 47,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,32 USD (+0,6%), lên 51,08 USD/thùng.