Đà bán tháo đột ngột xuất hiện mạnh ở cuối phiên, khi nhiều người mất kiên nhẫn và lo ngại báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 sẽ tiếp tục tăng, tức là lạm phát ở Mỹ chưa đạt đỉnh và điều này làm gia tăng khả năng Fed sẽ mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất.
Các dự báo mới thấy CPI của Mỹ tăng 0,7% trong tháng 5, trong khi chỉ số lõi, không bao gồm các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng sẽ tăng 0,5%.
Các cổ phiếu công nghệ theo đó gặp khó khăn lớn nhất, do nhạy cảm với lãi suất với cổ phiếu Meta Platforms (Facebook) giảm 6,4%, Amazon giảm hơn 4%, Apple mất 3,6%, Microsoft giảm 2,1%...
Thêm vào sự lo lắng, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ đã tăng lên tới 3,073%, mức cao nhất kể từ ngày 11/5.
Giới đầu tư hiện đang rất quan tâm và đánh giá sức khỏe nền kinh tế Mỹ trong những tuần gần đây, khi Fed bắt đầu nâng lãi suất trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Giá năng lượng tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến lạm phát liên tục ở mức cao, trong khi một số dữ liệu kinh tế cho thấy tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong những tuần gần đây.
Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Dow Jones giảm 638,11 điểm (-1,94%), xuống 32.272,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 97,95 điểm (-2,38%), xuống 4.017,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 332,04 điểm (-2,75%), xuống 11.754,23 điểm.
Chứng khoán châu Âu chạm mức thấp nhất trong hai tuần vào thứ Năm, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) báo hiệu một đợt tăng lãi suất vào tháng 9, và nâng dự báo lạm phát cũng như cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong năm.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,36% xuống 434,38 điểm
Ngân hàng trung ương châu Âu cho biết, họ sẽ kết thúc kế hoạch mua trái phiếu dài hạn vào ngày 1/7 và tăng lãi suất thêm 0,25%, lần đầu tiên trong một thập kỷ vào tháng tới và có thể với biên độ lớn hơn vào tháng 9.
ECB cho biết, lạm phát được ghi nhận là trung bình 6,8% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức 5,1% được dự đoán vào tháng 3, cũng như mục tiêu là 2%, trong khi tăng trưởng kinh tế trong năm đã giảm xuống 2,8% so với dự báo trước đó là 3,7%.
Tổn thất ở châu Âu phần lớn là trên diện rộng. Trong đó, các ngân hàng trong khu vực, vốn sẽ được cho là hưởng lợi chính từ lãi suất cao hơn, cũng giảm 1,2%.
David Madden, nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital cho biết: “Các ngân hàng đã có một số hoạt động tốt cho đến hôm nay, khi ECB về cơ bản loại trừ khả năng tăng 50 điểm cơ bản trong tháng tới. Nhưng điều đó không có nghĩa là quỹ đạo đi lên của các ngân hàng trong vài tuần qua sẽ bị trật bánh”.
Các nhà đầu tư hiện cũng sẽ xem xét số liệu lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5, trước cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới.
Kết thúc phiên 9/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 116,79 điểm (-1,54%), lên 7.467,21 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 247,19 điểm (-1,71%), xuống 14.198.80 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 90,17 điểm (-1,40%), xuống 6.358,46 điểm.