Chỉ số Dow Jones và S&P 500 vừa có quý tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1938, sau khi lao dốc chóng mắt vì đại dịch trong quý I/2020, theo Dow Jones Market Data.
Những con số này đáng lẽ phải mang lại sự cổ vũ lớn cho thị trường, nếu thực tế không phải Dow Jones vừa có 6 tháng đầu năm tệ hại nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, còn S&P 500 có nửa đầu năm tệ nhất trong thập kỷ. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số S&P 500 vẫn giảm 5,6%.
Bước sang nửa cuối năm, nhà đầu tư đón nhận hàng loạt thông tin tiêu cực từ làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19, nhắc nhở tất cả chúng ta về khủng hoảng y tế đang hiện hữu, tiếp tục tổn hại tới các hoạt động kinh tế, trong khi ngân sách của không ít địa phương đã vơi đáng kể.
Nhiều chiến lược gia tin rằng, tâm lý hưng phấn của giới đầu tư đã thay đổi và kịch bản tiêu cực được nhắc tới nhiều hơn.
“Đà phục hồi hình chữ V là ảo tưởng”, Julian Emanuel, người đứng đầu bộ phận chiến lược chứng khoán và phái sinh tại BTIG nói và cho biết, việc các nhà đầu tư tổ chức rót thêm tiền vào chứng khoán trong thời gian gần đây là hành động bị “cưỡng ép”.
Theo đó, quỹ đầu tư buộc phải giải ngân để cải thiện hiệu quả đầu tư và giữ vững tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trên mức quy định. Trong khi đó, dòng tiền mới từ lớp nhà đầu tư cá nhân khó đi bền với thị trường.
Tình hình dịch bệnh càng kéo dài, thì sự sống của các doanh nghiệp càng bị đe dọa. Các công ty Mỹ đang nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2013 tới nay, theo báo cáo được tờ Financial Times trích dẫn.
Cụ thể, 3.427 doanh nghiệp Mỹ xin bảo hộ phá sản tính tới ngày 24/6, gần bằng mức 3.491 doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2008. Những tên tuổi lớn nhất góp mặt trong số này phải kể tới Hertz, JC Penney, J Crew, Chesapeake và công ty điều hành rạp xiếc Cirque du Soleil danh tiếng.
Cùng với làn sóng phá sản, các doanh nghiệp còn thực hiện nhiều biện pháp để gia tăng vay nợ, củng cố khả năng tồn tại trước mắt. Số lượng trái phiếu doanh nghiệp được bán ra đã đạt 1.000 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.
Cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ là 548 tỷ USD và đạt đến mức 1.000 tỷ USD cho tới tháng 11. Tốc độ phát hành trái phiếu huy động vốn cao gấp 3 lần thông thường và ở mức nhanh nhất trong lịch sử.
Từ góc độ kỹ thuật, Liz Ann Sonders, chiến lược gia trưởng tại Charles Schwab cho biết, dù chỉ số Nasdaq đang tạo đỉnh mới, nhưng chưa tới 50% số cổ phiếu thành phần giao dịch trên đường trung bình 200 ngày.
Đây là sự phân rã lớn nhất kể từ năm 2001 tới nay. Đường trung bình 200 ngày phản ánh quan điểm trong dài hạn và nếu động lực tăng tích cực, giá cổ phiếu sẽ ở trên đường này.
Thực tế, giới đầu tư đón nhận nhiều thông tin tiêu cực và sự hào hứng đã dần phai nhạt, nhưng tâm lý sợ “nhỡ tàu” đang khiến họ phân vân, chưa thể đoán định hành động tiếp theo.
Nicholas Colas, người đồng sáng lập DataTrek cho biết, Công ty đã tiến hành khảo sát các nhà đầu tư với câu hỏi S&P 500 sẽ kết thúc năm như thế nào?
“Tôi chưa bao giờ chứng kiến khảo sát nhà đầu tư mà các kết quả từ rất tệ cho tới rất tốt đều có lượng lựa chọn tương đối ngang nhau, nhất là khi thời gian dự báo chỉ khoảng 6 tháng”, Colas nói và cho rằng, giới đầu tư, thậm chí cả các chuyên gia hoàn toàn mơ hồ về diễn biến thị trường nửa cuối năm.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng chia sẻ góc nhìn về nền kinh tế với nhận xét “triển vọng cực kỳ khó đoán định”.
Theo ông Powell, phần còn lại của năm 2020 sẽ phụ thuộc vào cách giới chức quản lý phản ứng như thế nào trước đại dịch và sự hỗ trợ những đối tượng cần thiết.