Giới đầu tư lung lay niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall biến động trái chiều trong phiên ngày thứ Tư (14/4), bất chấp kết quả kinh doanh xuất sắc của các ngân hàng lớn của Mỹ trong quý I năm nay.
Giới đầu tư lung lay niềm tin

Ngày đầu tiên trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh chào đón những con số mạnh mẽ từ loạt ngân hàng lớn.

Cổ phiếu của Goldman Sachs và Wells Fargo lần lượt tăng 2,3% và 5,5% trong phiên nhờ bội thu lợi nhuận trong quý đầu tiên. Trong khi lợi nhuận của Goldman Sachs đạt kỷ lục nhờ mảng ngân hàng đầu tư và kinh doanh chứng khoán, thì Wells Fargo giảm được các khoản cho vay khó đòi, đồng thời doanh thu và lợi nhuận đều vượt kỳ vọng.

Tuy nhiên, cổ phiếu của JPMorgan Chase bất ngờ giảm 1,9% mặc dù thu nhập của ngân hàng lớn nhất Mỹ tăng gần 400% sau khi giải ngân 5 tỷ USD dự trữ để hỗ trợ các khoản nợ do đại dịch gây ra.

Lĩnh vực tài chính của S&P 500 là một trong những lĩnh vực hoạt động tốt nhất trong quý đầu tiên, tăng 15% ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cam kết giữ lãi suất thấp trong một thời gian dài.

Cuối ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế của Washington, cho biết, rất có khả năng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất trước khi kết thúc năm 2022.

Đà phục hồi của kinh tế Mỹ giữ tốc độ vừa phải từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho du lịch và mua sắm, được thúc đẩy bởi chương trình tiêm chủng Covid-19 được triển khai nhanh chóng và hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ chính phủ.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Dow Jones tăng 53,62 điểm (+0,16%), lên 33.730,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,93 điểm (-0,41%), xuống 4.124,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 138,26 điểm (-0,9%), xuống 13.857,84 điểm.

Hầu hết các thị trường chứng khoán tại châu Âu tăng điểm trong phiên ngày thứ Tư nhờ báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan từ hãng phần mềm SAP và hãng thời trang xa xỉ của Pháp LVMH, ngoại trừ chứng khoán Đức tụt dốc sau khi các nguồn tin cho biết, viện kinh tế của nước này cắt giảm dự báo GDP năm 2021, từ 4,7% xuống còn 3,7%, do đại dịch Covid-19 kéo dài hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số FTSE 100 tăng 49,09 điểm (+0,71%), lên 6.939,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 25,21 điểm (-0,17%), xuống 15.209,15 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 22,48 điểm (+0,40%), lên 6.208,58 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm điểm do sự gia tăng các ca nhiễm mới Covid-19 gây nghi ngờ về triển vọng phục hồi kinh tế, trong khi lãi suất giảm đã kéo lùi nhóm cổ phiếu tài chính.

Chứng khoán Trung Quốc leo dốc với các công ty công nghệ tiếp tục hồi phục, khi các nhà đầu tư hoan nghênh các công ty nền tảng internet cam kết tránh các hành vi độc quyền cạnh tranh, sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba nhận án phạt kỷ lục 2,75 tỷ USD.

Chứng khoán Hồng Kông tăng khá mạnh nhờ nhóm cổ phiếu vật liệu và công nghệ. Chứng khoán Hàn Quốc tăng khi dòng tiền mua ròng từ các nhà đầu tư nước ngoài đã bù đắp những lo lắng về tình trạng nhiễm Covid-19 mới gia tăng.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 130,62 điểm (-0,44%), xuống 29.620,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,25 điểm (+0,60%), lên 3.416,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 403,58 điểm (+1,42%), lên 28.900,83 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 13,30 điểm (+0,42%), lên 3.182,38 điểm.

Giá vàng quay đầu lao dốc trong phiên đêm qua. Sức hấp dẫn của vàng giảm bớt trong bối cảnh thị trường tiền điện tử phát tiển mạnh mẽ, đồng Bitcoin tiếp tục lên mức cao kỷ lục gần 64.900 USD trước thềm IPO của Coinbase.

Kết thúc phiên 14/4, giá vàng giao ngay giảm 9,40 USD (-0,54%), xuống 1.736,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 11,30 USD (-0,65%), xuống 1.736,30 USD/ounce.

Giá dầu tăng vọt vào thứ Tư nhờ dữ liệu tồn kho Mỹ giảm mạnh và tín hiệu phục hồi trên thị trường nhiên liệu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) báo cáo, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 5,9 triệu thùng trong tuần trước, vượt dự báo giảm 2,9 triệu thùng của các nhà phân tích, trong đó các kho dự trữ dầu thô ở Bờ Đông xuống mức thấp kỷ lục.

Mức tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ trong tuần trước cũng tăng lên 8,9 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, báo cáo của EIA cho thấy.

Kết thúc phiên 14/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,97 USD (+4,9%), lên 63,15 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 2,91 USD (+4,6%), lên 66,58 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục