Theo dự báo, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố vào thứ Sáu sẽ có thêm 225.000 việc làm tạo ra. Trong khi đó, một báo cáo mới phát hành cho biết, tỷ lệ trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm trong tuần trước và danh sách số lượng người nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiền giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000. Điều này cho thấy, rất nhiều khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất vào cuối năm nay trong cuộc họp diễn ra sắp tới.
Trong khi đó, tình hình Hy Lạp không khả quan như thông tin đầu tuần. Hy Lạp đã lỡ hẹn trở nợ cho Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các cuộc đàm phán về khoản hỗ trợ tiếp theo cho Hy Lạp còn cách một thỏa thuận khá xa.
Chính lo lắng này khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra trong phiên thứ Năm, kéo các chỉ số giảm khá mạnh.
Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Dow Jones giảm 170,69 điểm (-0,94%), xuống 17.905,58 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,23 điểm (-0,86%), xuống 2.095,84 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 40,11 điểm (-0,79%), xuống 5.059,12 điểm.
Cũng giống phố Wall, thị trường chứng khoán châu Âu cũng chịu các tác động từ dữ liệu thất nghiệp của Mỹ, cũng như thông tin không lạc quan từ tình hình Hy Lạp nên đồng loạt quay đầu giảm điểm trong phiên thứ Năm.
Ngoài ra, thị trường châu Âu còn chịu tác động khi Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm thứ Tư khẳng định, không cần thiết phải điều chỉnh chính sách tiền tệ khi đối mặt với biến động đã khiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh.
Kết thúc phiên 4/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 91,22 điểm (-1,31%), xuống 6.859,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 79,02 điểm (-0,69%), xuống 11.340,60 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 47,04 điểm (-0,93%), xuống 4.987,13 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi nhẹ trở lại sau 2 phiên điều chỉnh nhẹ trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc bất ngờ đã khởi sắc trở lại vào cuối phiên giao dịch chiều dù trước đó đang đối mặt với áp lực bán tháo mạnh, trong khi chứng khoán Hồng Kông không kịp vượt qua tham chiếu dù cũng đã có những nỗ lực cuối phiên.
Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 14,68 điểm (+0,07%), lên 20.488,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 105,58 điểm (-0,38%), xuống 27.551,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 37,12 điểm (+0,76%), lên 4.947,10 điểm.
Lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất, đẩy đồng USD lên cao và khiến vàng tiếp tục giảm giá trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 5 tuần. Xu hướng của vàng đáng rất yếu ớt, ngay cả những rủi ro về vấn để Hy Lạp, hay đợt bán tháo trái phiếu cũng không đủ giúp vàng vai trò trú ẩn an toàn của vàng tăng lên.
Kết thúc phiên 4/6, giá vàng giao ngay giảm 8,6 USD (-0,73%), xuống 1.176,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 9,8 USD/ounce (-0,83%), xuống 1.174,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 9,7 USD/ounce (-0,82%), xuống 1.175,2 USD/ounce.
Giá dầu giảm mạnh gần 3% phiên thứ 2 liên tiếp trước khi cuộc họp của OPEC diễn ra với dự đoán tổ chức này sẽ tiếp tục để tình trạng dư cung diễn ra trên thị trường. Ngoài ra, đồng USD hồi phục trở lại khi khả năng Fed tăng lãi suất đang hiện hữu cũng gây áp lực lên giá dầu thô.
Kết thúc phiên 4/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,64 USD/thùng (-2,83%), xuống 58,00 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,77 USD (-2,85%), xuống 62,03 USD/thùng.