Giới đầu tư lạc quan trước cuộc họp của Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Ba (31/10), khi các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan chờ đợi cuộc họp của Fed với dự báo lãi suất sẽ được giữ nguyên.
Giới đầu tư lạc quan trước cuộc họp của Fed

Fed đã khởi động cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày và dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định trong thông báo vào thứ Tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi bài bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell để tìm manh mối về kế hoạch sắp tới của ngân hàng trung ương.

Phiên này, tất cả 11 chỉ số phụ thuộc S&P 500 đều tăng, với bất động sản tăng 2% và là ngành hoạt động tốt nhất.

"Việc thị trường quay trở lại vùng tích cực hôm nay dựa trên sự đồng thuận ngày càng tăng rằng Fed có nhiều khả năng trì hoãn tăng lãi suất” Greg Bassuk, Giám đốc điều hành của AXS Investments ở New York, cho biết.

Tuy nhiên, ông Bassuk cũng chỉ ra các yếu tố bất lợi như báo cáo kết quả kinh doanh phân hóa và các công ty bày tỏ lo ngại về những quý sắp tới, do giá năng lượng tăng và sự không chắc chắn xung quanh các cuộc chiến ở Israel và Ukraine đang "không có dấu hiệu kết thúc”.

Tổng kết tháng 10, S&P 500, giảm 2,2% Dow Jones giảm 1,4%, Nasdaq mất 2,8%, với áp lực chính trong tháng này là xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, khi có thời điểm vọt lên trên 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007. Giới phân tích cho rằng có một số nguyên nhân dẫn tới sự leo thang của lợi suất, trong đó phải kể đến kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát.

Kết thúc phiên 31/10: Chỉ số Dow Jones tăng 123,91 điểm (+0,38%), lên 33.052,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,98 điểm (+0,65%), lên 4.193,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 61,76 điểm (+0,48%), lên 12.851,24 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, khi nhà đầu tư cảm thấy yên tâm từ một loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,59% lên 433,66 điểm, nhưng trong tháng 10 vẫn giảm 3,7%.

"Tôi không ấn tượng nhiều về mức tăng ngày hôm nay, vì ở một mức độ nào đó, nó chỉ bù đắp một chút cho những gì đã mất. Chúng ta đã trở lại nơi mà cổ phiếu không đắt, nhưng chúng cũng không rẻ. Trừ khi bức tranh kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, không có lý do gì để thị trường chứng khoán tăng mạnh vào cuối năm"."Michael Field, chiến lược gia cổ phiếu châu Âu tại Morningstar cho biết.

Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro yếu hơn dự kiến trong quý III khi giảm 0,1% một ước tính nhanh cho thấy. Trong khi đó, doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức giảm trong tháng 9 do lạm phát cao dai dẳng.

Lạm phát ở khu vực đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, về 2,9% trong tháng 10. Con số này hạ từ mức 4,3% của tháng trước và thấp hơn mức ước tính 3,1% từ cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của Reuters.

Trong phiên hôm nay, bất động sản là ngành hoạt động tốt với mức tăng 2,7%, ngành hóa chất tăng 1,7%.

Trái lại, ngành năng lượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do cổ phiếu BP 4,6% sau khi thu nhập quý III không đạt dự báo của các nhà phân tích.

Trong số 158 công ty trong STOXX 600 đã báo cáo thu nhập cho đến nay, 57,6% đã có lợi nhuận vượt qua ước tính của các nhà phân tích, theo dữ liệu của LSEG.

Kết thúc phiên 31/10: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 5,67 điểm (-0,777%), xuống 7.321,72 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 93,80 điểm (+0,64%), lên 14.810,34 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 60,58 điểm (+0,89%), lên 6.885,65 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bổ sung sự linh hoạt hơn trong việc kiểm soát đường cong lợi suất, nhưng vẫn giữ nguyên chính sách kích thích.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng tăng 0,53% lên 30.858,85 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,01% lên 2.253,72 điểm.

Cổ phiếu tài chính là nhóm tăng tốt, với chỉ số theo dõi ngành tăng 2,65% và chỉ số ngân hàng tăng 2,21%.

Trong lần điều chỉnh thứ hai đối về khuôn khổ kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) trong vòng ba tháng, BOJ đã quyết định đưa ra sự linh hoạt hơn cho khung chính sách tiền tệ và quyết định sử dụng giới hạn trên là 1% làm điểm tham chiếu mới cho lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm.

Tuy nhiên, phiên này, cổ phiếu vẫn là lực cản đối với Nikkei 225, với các cổ phiếu liên quan đến chip theo dõi sự sụt giảm của các công ty cùng ngành ở Mỹ đêm qua, với Advantest giảm 4,67%, Renesas Electronics giảm hơn 6%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất bất ngờ thu hẹp trong tháng 10.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,09% xuống 3.018,77 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,31% xuống 3.572,51 điểm và giảm 3,2% trong tháng 10.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã trở lại vùng thu hẹp, sau khi dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) đã giảm xuống 49,5 điểm trong tháng 10 từ mức 50,2 điểm trong tháng 9.

“Sự sụt giảm bất ngờ của PMI sản xuất cho thấy sự phục hồi ở Trung Quốc là một con đường gập ghềnh vì nhu cầu trong nước vẫn còn khá yếu,” Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,7 tỷ nhân dân tệ (915,66 triệu USD) cổ phiếu Trung Quốc vào thứ Ba.

Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm mạnh, khi một báo cáo cho thấy sản xuất của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 10 làm tăng thêm lo lắng lâu dài về triển vọng của nền kinh tế số hai thế giới.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,69% xuống 17.112,48 điểm và mất 3,9% trong tháng 10. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,65% xuống 5.861,74 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà sản xuất pin lao dốc do triển vọng ngành công nghiệp suy yếu và dữ liệu của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế toàn cầu chậm lại.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 32,56 điểm, tương đương 1,41%, xuống 2.277,99 điểm.

Chỉ số này đã giảm 7,59% trong tháng 10 và là tháng thứ ba liên tiếp giảm.

"Lĩnh vực pin giảm mạnh do lo ngại về nhu cầu xe điện chậm lại, trong khi dữ liệu PMI của Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế", Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 4,81%, trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation lần lượt mất 5,86% và 2,94%.

Kết thúc phiên 31/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 161,89 điểm (+0,53%), lên 30.858,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,78 điểm (-0,09%), xuống 3.018,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 293,88 điểm (-1,69%), xuống 17.112,48 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 32,56 điểm (-1,41%), xuống 2.277,99 điểm.

Giá dầu giảm khi khả năng gián đoạn nguồn cung từ cuộc xung đột ở Trung Đông không cao và dữ liệu cho thấy sản lượng tăng từ OPEC và Mỹ càng đẩy giá dầu xa mốc 90 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10.

Kết thúc phiên 31/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,33 USD/thùng (-1,4%), xuống 85,02 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,04 USD/thùng (-0,05%), xuống 87,41 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục