Giới đầu tư lạc quan, chứng khoán lại đồng loạt khởi sắc

(ĐTCK) Lạc quan về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp và viễn cảnh kinh tế toàn cầu, chứng khoán đã đồng loạt tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua. Không chỉ chứng khoán, giá vàng và dầu thô cũng khởi sắc trong phiên này, cũng như cả tuần trước.
Giới đầu tư lạc quan, chứng khoán lại đồng loạt khởi sắc

Trong phiên giao dịch cuối tuần, phố Wall tiếp tục khởi sắc để thiết lập mức cao lịch sử mới sau khi giới đầu tư lạc quan về kết quả kinh doanh của các ngân hàng và doanh số bán lẻ mạnh mẽ trong tháng trước, giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ tăng mạnh.

Lợi nhuận trong tương lai của các ngân hàng có thể còn tăng mạnh hơn nhờ chính sách giảm thuế giúp tiết giảm chi phí và kích thích tiêu dùng.

Theo Thomson Reuters, lợi nhuận của các công ty S&P 500 sẽ tăng trung bình 12,1% trong quý IV/2017. Lợi nhuận của các công ty dịch vụ tài chính có khả năng tăng 13,2%.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Dow Jones tăng 228,46 điểm (+0,89%), lên 25.803,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,68 điểm (+0,67%), lên 2.786,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 49,28 điểm (+0,68%), lên 7.261,06 điểm.

Với chuỗi phiên tăng điểm tốt, phố Wall tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp, dù mức tăng khiêm tốn hơn so với tuần đầu năm. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 2,01%, chỉ số S&P 500 tăng 1,57%, còn chỉ số Nasdaq tăng 1,74%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần khi đồng euro giảm mạnh so với đồng USD, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu của khu vực đồng tiền chung.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 15,70 điểm (+0,20%), lên 7.778,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 42,13 điểm (+0,32%), lên 13.245,03 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 28,51 điểm (+0,52%), lên 5.517,06 điểm.

Dù đồng loạt tăng điểm phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu trở lại xu thế trái chiều trong tuần qua sau khi đồng loạt tăng trong tuần đầu năm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 0,70%, đánh dấu tuần tăng thứ 6 liên tiếp và chỉ số CAC 40 có tuần tăng thứ hai liên tiếp với mức tăng 0,85%, trong khi chỉ số DAX quay đầu điều chỉnh nhẹ 0,56% sau khi tăng mạnh 3,11% trong tuần trước đó.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục có sự trái chiều. Trong khi chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, thì chứng khoán Trung Quốc có phiên tăng thứ 11 liên tiếp và đặc biệt chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng thứ 14 liên tiếp với mức tăng mạnh hơn nhiều so với phiên trước đó khi nhà đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế 2018.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 56,61 điểm (-0,24%), xuống 23.653,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 292,15 điểm (+0,94%), lên 31.412,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,97 điểm (+0,12%), lên 3.429,32 điểm.

Sau tuần tăng mạnh 4,17% tuần đầu năm, chỉ số Nikkei 225 đã đảo chiều giảm nhẹ 0,26% trong tuần qua, trong khi chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 1,94% và 1,09%.

Bất chấp chứng khoán khởi sắc, nhưng giá vàng vẫn tăng vọt trong phiên thứ Sáu khi đồng USD xuống mức thấp nhất 3 tháng và chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng trong tháng 12, gây áp lực lên lạm phát.

Kết thúc phiên 12/1, giá vàng giao ngay tăng 15,5 USD/ounce (+1,17%), lên 1.337,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 tăng 15,8 USD/ounce (+1,20%), lên 1.338,3 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,41% và giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 1,36%. Đây là tuần tăng thứ 5 liên tiếp của giá vàng.

Với diễn biến hiện tại, cùng với đà giảm mạnh của đồng USD, giới đầu tư và phân tích tiếp tục đặt kỳ vọng lớn vào xu thế của giá vàng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 17 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 12 người, chiếm 71% dự báo giá vàng sẽ tăng tuần này, cao hơn nhiều con số 55% của tuần trước; chỉ có 4 người, chiếm 24% dự báo giảm, giảm nhẹ so với mức 25% của tuần trước; và 1 người còn lại, chiếm 6% dự báo giá vàng sẽ không thay đổi.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 663 lượt người tham gia, trong đó có 404 lượt, chiếm 61% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần thứ 3 của năm 2018, giảm nhẹ so với mức 64% của tuần trước; có 182 lượt bình chọn, chiếm 27% dự báo giá vàng sẽ giảm trở lại, thấp hơn mức 28% của tuần trước; và 77 lượt, chiếm 12% giữ quan điểm trung lập.

Trên thị trường dầu thô, thông tin về việc các bộ trưởng OPEC và Nga tuần tới sẽ đàm phán về thời gian chấm dứt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khiến giá dầu thô giảm khá mạnh. Tuy nhiên, sau đó, giá loại nhiên liệu này đã tăng trở lại khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng và đặc biệt là Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, dù nguồn cung giảm, nhưng thị trường vẫn chưa hoàn toàn cân bằng. Phát biểu này của ông Novak giúp giới đầu tư giảm bớt lo lắng về khả năng các nước rút khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 12/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,50 USD (+0,78%), lên 64,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,61 USD (+0,87%), lên 69,87 USD/thùng.

Giá dầu thô có tuần khởi sắc với mức tăng lần lượt là 4,65% và 3,33%. Đây cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của “vàng đen”.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục