Giới đầu tư kỳ vọng vào cổ phiếu công nghệ

(ĐTCK) Kỳ vọng về kết quả khả quan của các đại gia công nhệ sẽ được công bố trong tuần tới sau kết quả khả quan của Google được công bố trong tuần, Nasdaq tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới.
Ảnh minh họa: AFP

Sau khi liên tiếp thiết lập kỷ lục, phố Wall chịu áp lực chốt lời trong phiên cuối tuần, nhưng nhờ giới đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của giới công nghệ sau kết quả khả quan của Google được công bố trong tuần qua, nên các chỉ số hồi phục.

Chốt phiên cuối tuần, chỉ có Dow Jones giảm nhẹ, còn S&P 500 tăng nhẹ và Nasdaq tiếp tục thiết lập kỷ lục mới với mức tăng gần 1% nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu công nghệ với sự dẫn dắt của cổ phiếu Google.

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Dow Jones giảm 33,8 điểm (-0,19%), xuống 18.086,45 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,35 điểm (+0,11%), lên 2.126,64 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 46,96 điểm (+0,91%), lên 5.210,14 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,84%, chỉ số S&P 500 tăng 2,41%, ấn tượng nhất là Nasdaq tăng 4,25%.

Sau 5 phiên tăng liên tiếp nhờ vấn đề Hy Lạp có lối thoát, chứng khoán châu Âu chịu áp lực chốt lời trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 21,37 (-0,31%), xuống 6.775,08 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 43,34 điểm (-0,37%), xuống 11.673,42 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 2,89 điểm (+0,06%), lên 5.124,39 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,52%, chỉ số DAX tăng 3,16%, chỉ số CAC 40 tăng 4,51%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng nhờ sự hứng khởi trên thị trường chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc cũng có phiên hồi mạnh cuối tuần, giúp cả 2 chỉ số này có tuần tăng điểm.

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 50,80 điểm (+0,25%), lên 20.650,92 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 252,49 điểm (+1,00%), lên 25.415,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 134,18 điểm (+3,51%), lên 3.957,35 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,4%, chỉ số Hang Seng tăng 2,06%, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,02%.

Trên thị trường vàng, những thông tin hỗ trợ dần biến mất, như tình hình Hy Lạp có dấu hiệu tích cực, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự kiến, trong khi đó, việc Chủ tịch Fed, Jannet Yellen phát biểu hàm ý quyết tâm tăng lãi suất trong tháng 9 khiến đồng USD tăng manh và đẩy giá vàng giảm sâu.

Giá vàng trong phiên cuối tuần giảm mạnh trong đó, giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 4/2010.

Kết thúc phiên 17/7, giá vàng giao ngay giảm 11,3 USD (-0,99%), xuống 1.133,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 11,6 USD/ounce (-1,01%), xuống 1.132,3 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,54%, giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 2,58%.

Theo cuộc khảo sát của Kitco tuần này, trong 364 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến, có 247 người, chiếm 68% dự đoán giá vàng sẽ giảm trong tuần tới, 90 người, chiếm 25% cho rằng giá vàng sẽ tăng và 27 người, chiếm 7% giữ quan điểm trung tính.

Còn trong số 33 chuyên gia được liên lạc, có 19 người trả lời, trong đó có chỉ có 4 người, chiếm 21% giữ quan điểm lạc quan về giá vàng tuần tới, trong khi có 13 chuyên gia, chiếm 68% cho rằng, vàng sẽ giảm giá và 2 người, chiếm 11% giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu tiếp tục có phiên lình xình cuối tuần với việc giá dầu thô Mỹ gần như không đổi, trong khi giá dầu thô Brent tiếp tục tăng nhẹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đồng USD manh, cùng thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Iran, nên chốt tuần, cả giá dầu thô Mỹ và Brent đều giảm khá mạnh.

Kết thúc phiên 17/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,02 USD/thùng (-0,04%), xuống 50,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,21 USD (+0,36%), lên 57,72 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 3,51%, giá dầu thô Brent giảm 1,72%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục