Theo dữ liệu vừa công bố, hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong gần 1 năm rưỡi vào tháng 7 khi các đơn đặt hàng tăng, bất chấp sự số ca nhiễm Covid mới gia tăng nhanh.
Ngoài ra, một thông tin khác cũng khiến giới đầu tư hứng khởi là các nhà hoạch định chính sách của Fed kêu gọi có thêm gói cứu trợ nền kinh tế.
Các lời kêu gọi tăng cường can thiệp của chính phủ được đưa ra khi các nhà lập pháp Mỹ và Nhà Trắng nối lại các cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới của chính phủ, bao gồm cả việc gia hạn trợ cấp thất nghiệp có thể hết hạn vào thứ Sáu. Quyền quyết định bây giờ thuộc về Quốc hội Mỹ.
Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Dow Jones tăng 236,08 điểm (+0,89%), lên 26.664,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,49 điểm (+0,72%), lên 3.294,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 157,52 điểm (+1,47%), lên 10.902,80 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng khởi sắc trong phiên đầu tuần mới nhờ thông tin về hoạt động sản xuất mở rộng trong khu vực đồng euro, dù còn kiêm tốn, cũng như kỳ vọng về các gói kích thích mới của Mỹ. Nhóm cổ phiếu sản xuất ô tô, khai mỏ, xây dựng và vật liệu xây dựng khởi sắc.
Kết thúc phiên 3/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 135,09 điểm (+2,29%), lên 6.032,85 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 333,62 điểm (+2,71%), lên 12.646,98 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 92,24 điểm (+1,93%), lên 4.875,93 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng vọt sau 6 phiên giảm liên tiếp, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng sau dữ liệu kinh tế khả quan được công bố (hoạt động sản xuất mở rộng nhanh nhất trong gần 1 thấp kỷ trong tháng 7), trong khi chứng khoán Hồng Kông giảm do kết quả kinh doanh kém tích cực của HSBC, chứng khoán Hàn Quốc gần như không đổi.
Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 485,38 điểm (+2,24%), lên 22.195,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 57,96 điểm (+1,75%), lên 3.367,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 137,22 điểm (-0,56%), xuống 24.458,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 1,67 điểm (+0,07%), lên 2.251,04 điểm.
Giá vàng tăng vọt trong phiên châu Á, nhưng khi gặp ngưỡng cản 1.990 USD/ounce đã bị đẩy trở lại khi đồng USD tăng và đóng cửa ít thay đổi, dù vậy vẫn duy trì được đà tăng.
Kết thúc phiên 3/8, giá vàng giao ngay tăng 1,6 USD (+0,08%), lên 1.977,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3,2 USD (+0,16%), lên 1.966,0 USD/ounce.
Dữ liệu kinh tế mới công bố tích cực từ Âu sáng Mỹ và tới Á giúp giá dầu thô tăng hơn 1% trong phiên đầu tuần mới, tuy nhiên lo ngại về sự gia tăng các ca nhiễm Covid khiến giá dầu thô Brent giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 3/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,74 USD (+1,80%), lên 41,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,04 USD (-0,09%), xuống 43,26 USD/thùng.