Đầu tuần, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm kho bạc Mỹ tăng vọt, vượt mốc 1,5%, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 và tăng mức 1,3% vào cuối tháng 8/2021.
Lợi suất trái phiếu tăng làm tổn thương một số cổ phiếu dẫn dắt thị trường, vốn được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp. Microsoft, Amazon.com, Alphabet và Apple đều đóng cửa giảm từ 0,6% đến 1,7%.
Trong khi đó, nhiều quan chức của Fed hôm thứ Hai lên tiếng về lập trường chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ.
Phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội kinh tế kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE), Thống đốc Fed Lael Brainard cho biết, tình trạng việc làm của Mỹ “vẫn còn thiếu một chút so với mục tiêu” để Fed bắt đầu giảm chương trình mua trái phiếu, đồng thời nhấn mạnh nguy cơ đại dịch đang bùng phát trở lại có thể tiếp tục cản trở việc tuyển dụng nhân công vào mùa thu.
Quan điểm trên cũng được Chủ tịch Fed New York John Williams và Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans khẳng định tại hội nghị.
Mặt khác, trong báo cáo chuẩn bị để gửi cho Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày 28/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, khó khăn trong việc tuyển dụng việc khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau đại dịch có thể “kéo dài hơn dự đoán”, gây rủi ro đối với việc kiểm soát lạm phát.
“Nếu lạm phát cao kéo dài và trở thành vấn đề nghiêm trọng, chúng tôi chắc chắn sẽ phản ứng và sử dụng các công cụ của mình để đảm bảo rằng lạm phát ở mức phù hợp với mục tiêu”, ông Powell khẳng định.
Tại Washington, Thượng viện Mỹ bị chia rẽ mạnh mẽ trong phiên họp hôm thứ Hai và thất bại trong việc đưa ra biện pháp thông qua gói ngân sách mới, cũng như giới hạn trần nợ công để tránh đóng cửa một phần chính phủ khi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa bác bỏ dự luật về số phiếu cần thiết để đi tiếp.
Gói cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden sẽ được Hạ viện bỏ phiếu vào đêm thứ Năm. Nếu gói này không được gia hạn, chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa một phần vào thứ Sáu. Đây sẽ là một trong những tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần này.
Về dữ liệu kinh tế, đơn đặt hàng mới cho hàng hóa lâu bền của Mỹ tăng 1,8% trong tháng 8, vượt mức trước đại dịch và lên mức cao nhất trong bảy năm, theo Bộ Thương mại Mỹ.
Trong bộ ba chỉ số chính của phố Wall, chỉ có Dow Jones đóng cửa trong vùng tích cực được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu tài chính và công nghiệp. S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đang đi ngang.
Kết thúc phiên 27/9, chỉ số Dow Jones tăng 71,37 điểm (+0,21%), lên 34.869,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,37 điểm (-0,28), xuống 4.443,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 77,73 điểm (-0,52%), xuống 14.969,97 điểm.
Chứng khoán châu Âu khởi sắc trong phiên thứ Hai đầu tuần nhờ đà tăng của của nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng bù đắp cho đà sụt giảm của cổ phiếu công nghệ. Chứng khoán Đức đạt mức cao nhất trong 10 ngày nhờ kết quả bầu cử chính phủ liên bang.
Kết thúc phiên 27/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,92 điểm (+0,17%), lên 7.063,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 42,13 điểm (+0,27%), lên 15.531,75 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 12,45 điểm (+0,19%), lên 6.650,91 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ khi các nhà đầu tư có động thái chốt lời, đồng thời tâm lý thận trọng chiếm ưu thế trước sự thay đổi về chính trị.
Chứng khoán Trung Quốc giảm khi thị trường lo ngại rằng cuộc khủng năng lượng do nguồn cung than thiếu hụt và tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe gần đây gây hạn chế năng lực sản xuất đang đè nặng đến tăng trưởng kinh tế.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ nhờ đà đi lên của nhóm cổ phiếu năng lượng và tiêu dùng.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ giới đầu tư nước ngoài mua ròng phiên thứ 8 liên tiếp.
Kết thúc phiên 27/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 8,75 điểm (-0,03%), xuống 30.240,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 30,24 điểm (-0,84%), xuống 3.582,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 16,62 điểm (+0,07%), lên 24.208,78 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 8,40 điểm (+0,27%), lên 3.133,64 điểm.
Giá vàng đi ngang trong phiên đêm qua sau khi nỗi lo về “bom nợ” Evergrande giảm dần, đồng thời chịu áp lực từ lợi suất trái phiếu tăng và đồng USD mạnh.
Thị trường hiện sẽ tập trung vào các bài phát biểu của quan chức Fed trong tuần này, bao gồm phiên điều trần trước Thượng viện của Chủ tịch Jerome Powell về phản ứng chính sách của ngân hàng trung ương đối với đại dịch.
Kết thúc phiên 27/9, giá vàng giao ngay giảm 0,50 USD (-0,03%), xuống 1.749,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 0,03 USD (+0,02%), lên 1.750,00 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục tăng vào hôm thứ Hai, đánh dấu phiên tăng thứ năm liên tiếp đưa dầu thô Brent lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 khi các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung thiếu hụt khi nhu cầu tăng cao.
Goldman Sachs tăng 10 USD đối với dự báo giá dầu thô Brent cuối năm, lên 90 USD/thùng. Nguồn cung toàn cầu đang thiếu hụt do nhu cầu nhiên liệu phục hồi nhanh chóng sau sự bùng phát của biến thể delta và cơn bão Ida ảnh hưởng đến sản xuất của Mỹ.
Kết thúc phiên 27/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,47 USD (+2%), lên 75,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,44 USD (+1,8%), lên 79,53 USD/thùng.