Theo nguồn tin từ CNBC, Trung Quốc đã đồng ý mua tới 1.200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Đây là thông tin tích cực cho thấy, 2 bên có thể tìm được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 7 tháng qua.
Thông tin trên đã đem đến niềm vui cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tuần. Qua đó, giúp cả 3 chỉ số chính của phố Wall đồng loạt lấy lại đà tăng sau khi điều chỉnh trong phiên thứ Năm do chịu ảnh hưởng từ dữ liệu kinh tế yếu kém.
Kết thúc phiên 22/2, chỉ số Dow Jones tăng 181,18 điểm (+0,70%), lên 26.031,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,79 điểm (+0,64%), lên 2.792,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 67,84 điểm (+0,91%), lên 7.527,54 điểm.
Trong tuần qua, Dow Jones tăng 0,57%, S&P 500 tăng 0,62% và Nasdaq tăng 0,74%. Đây là tuần tăng thứ 9 liên tiếp của Dow Jones và Nasdaq.
Chứng khoán châu Âu cũng phản ứng tích cực với thông tin khả quan về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung trong phiên giao dịch cuối tuần khi sắc xanh bao phủ các thị trường chính trong khu vực.
Kết thúc phiên 22/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,21 điểm (+0,16%), lên 7.178,60 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 34,42 điểm (+0,30%), lên 11.457,70 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 19,74 điểm (+0,38%), lên 5.215,85 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE điều chỉnh giảm 0,80%, trong khi chỉ số DAX có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,40% và chỉ số CAC40 tăng tuần thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,22%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ do nhà đầu tư chùn tay trước dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại tăng tốt trong phiên cuối tuần nhờ kỳ vọng ngày càng cao về khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại.
Kết thúc phiên 22/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 38,72 điểm (-0,18%), xuống 21.425,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 52,43 điểm (+1,91%), lên 2.804,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 186,38 điểm (+0,65%), lên 28.816,30 điểm.
Dù giảm mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng chỉ số Nikkei 225 vẫn tăng 2,51% trong tuần qua, tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tăng mạnh 7,12% sau khi giảm 3,74% tuần trước đó. Chỉ số Shanghai Composite tăng 4,54%, tuần tăng thứ 7 liên tiếp.
Trong khi đó, trên thị trường vàng, việc đồng USD giảm do những tiến triển trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung hỗ trợ cho giá vàng hồi phục nhẹ trở lại sau phiên giảm mạnh hôm thứ Năm.
Kết thúc phiên 22/2, giá vàng giao ngay tăng 4,9 USD (+0,37%), lên 1.327,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 2,9 USD (+0,22%), lên 1.330,7 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,49%, giá vàng tương lai tăng 0,65%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp của giá vàng.
Việc giá vàng giữ được các mức hỗ trợ quan trọng khiến giới phân tích và cả nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng giá kim loại quý này sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới.
Cụ thể, trong 20 chuyên gia trả lời, có 15 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 75%, thấp hơn chút ít so với con số 76% của tuần trước; có 3 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 15%, cao hơn so với 12% của tuần trước và 2 người dự báo giá sẽ đi ngang, chiếm 10%.
Trong khi đó, tuần qua có tới 734 người tham gia thảo sát trực tuyến, cao hơn gấp 2 lần so với mức trung bình của 3 tuần gần đây. Trong đó, có 413 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm 56%, cao hơn chút ít so với con số 54% của tuần trước; 192 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 26%, cao hơn chút ít so con số 25% của tuần trước và 129 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 18%.
Giá dầu thô cũng duy trì được đà tăng trong phiên cuối tuần nhờ được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn chế, trong khi nhận thông tin hỗ trợ từ triển vọng tích cực của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Kết thúc phiên 22/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,30 USD (+0,52%), lên 57,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,05 USD (+0,07%), lên 67,12 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tiếp tục tăng 3,00% và giá dầu thô Brent tiếp tục tăng 1,31%.