Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ mới công bố cho biết, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo thêm 263.000 việc làm trong tháng 4, được trải đều trên hầu hết các ngành công nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,6%, mức thấp nhất 49 năm cho thấy sức mạnh bền vững của nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, thu nhập trung bình mỗi giờ chỉ trong kỳ vọng, cho thấy áp lực lạm phát giảm, ủng hộ cho việc không tăng lãi suất của Fed.
Sau dữ liệu kinh tế trên, phố Wall đã đồng loạt quay đầu tăng mạnh sau phiên giảm điểm trước đó.
Kết thúc phiên 3/5, chỉ số Dow Jones tăng 197,16 điểm (+0,75%), lên 26.504,95 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,12 điểm (+0,96%), lên 2.945,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 127,22 điểm (+1,58%), lên 8.164,00 điểm.
Dù tăng tốt trong phiên cuối tuần, nhưng Dow Jones vẫn không thoát khỏi tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 0,14%, trong khi S&P 500 tăng tuần thứ 2 liên tiếp với mức tăng nhẹ 0,20% và đặc biệt Nasdaq có tuần tăng thứ 5 liên tiếp với mức tăng 0,22%.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần nhờ kết quả kinh doanh tích cực của HSBC và dữ liệu việc làm mạnh mẽ từ Mỹ sau phiên giảm mạnh nhất 6 tuần hôm thứ Năm (2/5).
Kết thúc phiên 3/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 29,33 điểm (+0,40%), lên 7.380,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 67,33 (+0,55%), lên 12.412,75 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 9,99 điểm (+0,18%) lên 5.548,84 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,64%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp, CAC 40 cũng có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 0,37%, trong khi DAX lại có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,79%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản nghỉ đến hết ngày 6/5, trong khi chứng khoán Hồng Kông giao dịch và tiếp tục duy trì đà tăng sau khi HSBC công bố lợi nhuận cao hơn dự báo. Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng điểm trong phiên cuối tuần khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ lao động.
Kết thúc phiên 3/5, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 137,37 điểm (+0,46%), lên 30.801,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 15,84 điểm (+0,52%), lên 3.078,34 điểm.
Dù tăng điểm trong phiên cuối tuần, nhưng chỉ số Shanghai Composite vẫn có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 0,26%, trong khi chỉ số Hang Seng lại đảo chiều tăng mạnh 4,04% sau 2 tuần giảm liên tiếp, nhất là tuần trước đó mất 1,2% - tuần giảm mạnh nhất 2 tháng.
Dù dữ liệu việc làm của Mỹ tích cực, nhưng đồng USD vẫn giảm khi giới đầu tư quan tâm tới yếu tố tiền lương không tăng, khiến giá vàng quay đầu tăng mạnh trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 3/5, giá vàng giao ngay tăng 8,1 USD (+0,64%), lên 1.278,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 8,2 USD (+0,64%), lên 1.280,2 USD/ounce.
Dù tăng mạnh phiên cuối tuần, nhưng không thể giúp giá vàng thoát khỏi tuần giảm trở lại sau tuần hồi phục trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,58% và giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 0,64%.
Với những diễn biến hiện tại, giới đầu tư có cái nhìn thận trọng hơn về xu hướng của giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, trong 12 chuyên gia trả lời, có 4 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 33%, thấp hơn mức 44% của tuần trước, nhưng bằng con số của tuần trước đó; có 1 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 33%, bằng con số tuần trước và đó cũng là con số người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Tương tự, trong 475 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 207 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 43%, thấp hơn con số 55% của tuần trước, 205 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 44%, cao hơn con số 32% của tuần trước và 63 người dự báo giá đi ngang, chiếm 13%.
Sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp do dữ liệu hàng tồn kho và sản lượng khai thác của Mỹ tăng mạnh, giá dầu thô đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần nhờ đồng USD giảm.
Kết thúc phiên 3/5, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,13 USD (+0,21%), lên 61,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,10 USD (+0,14%), lên 70,85 USD/thùng.
Phiên hồi nhẹ cuối tuần không thể giúp giá dầu thô tránh khỏi tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 2,15%, giá dầu thô Brent giảm 1,80%.