Giới đầu tư hào hứng với cổ phiếu bán lẻ, Dow Jones đảo ngược xu hướng

(ĐTCK) Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng điểm trong phiên ngày thứ Ba (17/8), nhờ kết quả kinh doanh và triển vọng tốt hơn mong đợi từ Walmart và Home Depot, trong khi cổ phiếu công nghệ giảm và đè nặng lên Nasdaq.

Theo đó, các ngành hàng tiêu dùng và tiêu dùng thiết yếu của S&P 500 đã tăng dẫn đầu đà đi lên, trong khi chỉ số bán lẻ tăng 1,9%.

Phiên này, nhóm cổ phiếu bán lẻ như Walmart tăng 5,1% sau khi dự báo lợi nhuận cả năm giảm ít hơn so với dự kiến ​​trước đó, trong khi Home Depot tăng 4,1% sau khi vượt qua ước tính về doanh số quý vừa qua.

Những cổ phiếu bán lẻ khác bao gồm Target, Best Buy và Bath & Body Works đều vọt 4% sau báo cáo kết quả kinh doanh.

Adam Sarhan, CEO tại 50 Park Investments cho biết: “Còn nhiều công ty bán lẻ chưa công bố kết quả kinh doanh quý vừa qua. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bán lẻ nếu tiếp tục duy trì đà tăng như ngày hôm nay, điều đó sẽ giúp thị trường có thêm xung lực tăng điểm trong thời gian tới”.

Trái lại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đi lên đã đè nặng lên nhóm công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng cao khác, với Microsoft, Apple, Tesla, Meta…đều chìm trong sắc đỏ.

Phiên này đánh dấu lần đầu tiên kể từ ngày 20/4, Dow Jones đóng cửa trên mức bình quân 200 ngày, một ngưỡng điểm được xem là chỉ báo quan trọng về việc đảo xu hướng giảm.

Kết thúc phiên 16/8, chỉ số Dow Jones tăng 239,57 điểm (+0,71%), lên 34.152,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,06 điểm (+0,19%), lên 4.305,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 25,50 điểm (-0,19%), xuống 13.102,55 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng phiên thứ năm liên tiếp, được thúc đẩy bởi các lĩnh vực phòng thủ và công ty khai thác, mặc dù lo ngại về một cuộc suy thoái tiềm ẩn đã hạn chế đà đi lên của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu nhích 0,23% lên 443,35 điểm, mức cao nhất trong 10 tuần.

Phiên này, cổ phiếu các công ty khai thác đã tăng 3,2% và là nhóm cổ phiếu dẫn đầu thị trường, để dẫn đầu mức tăng.

Nhóm cổ phiếu Viễn thông và Tiện ích, các lĩnh vực được coi là đặt cược an toàn hơn trong thời kỳ kinh tế không chắc chắn cũng có phiên khởi sắc, tăng lần lượt 1,65% và 1,3%.

Seema Shah, Chiến lược gia trưởng tại Chief Global Investors, cho biết: “Rất nhiều các phiên tăng điểm tốt đang diễn ra dựa trên các chỉ số kỹ thuật, nhưng các nguyên tắc cơ bản vẫn không thay đổi và cảnh báo triển vọng kinh tế của châu Âu là rất tiêu cực. Khi chúng ta bắt đầu thấy suy thoái và một số dữ liệu kinh tế bắt đầu xấu đi, đó là lúc bạn có thể thấy chứng khoán châu Âu đi xuống”.

Dữ liệu khác cho thấy các nước trong khu vực đồng euro thâm hụt thương mại trong tháng 6 hơn 24,6 tỷ USD so với mức thặng dư 17,2 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, do giá khí đốt và dầu nhập khẩu tăng vọt.

Kết thúc phiên 16/8: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 26,91 điểm (+0,36%), lên 7.536,06 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 93,51 điểm (+0,68%), lên 13.910,12 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 22,63 điểm (+0,34%), lên 6.592,58 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh khi khối lượng hợp đồng mở vẫn đang giảm. Nhiều nhà tham gia thị trường không còn quan tâm đến dầu vì giá biến động quá mạnh.

Ngoài ra, đà lao dốc của giá dầu thô còn đến từ các dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, đặc biệt tại Trung Quốc, trong khi thị trường đang kỳ vọng về một kết quả rõ ràng hơn của các cuộc đàm phán ở Vienna, Áo để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, mở ra triển vọng nguồn cung.

Kết thúc phiên 16/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 2,88 USD/thùng (-3,33%), xuống 86,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,76 USD/thùng (-2,99%), xuống 92,34 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục