Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp thường kỳ của Fed rằng, rất có thể lãi suất sẽ được tăng thêm 0,5% hoặc 0,75% trong cuộc họp sắp tới vào tháng 7.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết trong một tuyên bố rằng cơ quan này “cam kết mạnh mẽ trong việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%”.
Những thông báo này giúp tâm lý thị trường khởi sắc hơn khi nhận thấy quyết tâm chống lạm phát của Fed.
Dù vậy, giới nhà đầu tư lo lắng rằng mức tăng 0,75% trong đợt này, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994, sẽ tác động tiêu cực đến định giá cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ và gây nguy hiểm cho sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất kho bạc kỳ hạn hai năm của Mỹ, vốn rất nhạy cảm với lãi suất, đã tăng vọt lên 3,439%, cao nhất kể từ tháng 11/2007. Trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm chạm 3,479%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011.
Đường cong lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã đảo ngược một thời gian ngắn vào thứ Ba tới 5,4 điểm cơ bản, điều này thường cho thấy một cuộc suy thoái sắp tới. Đường cong cuối cùng dốc hơn ở mức 4,2 điểm.
Phiên này, cổ phiếu Boeing tăng tới 9,5% và các công ty khác liên quan đến tăng trưởng kinh tế đã nhảy vọt nhờ hy vọng lãi suất có thể tăng cao mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn gặp khó khăn khi S&P 500 rơi vào vùng thị trường giá xuống trong tháng này, đã dẫn đầu đà phục hồi trên phố Wall với Amazon và Tesla đều tăng hơn 5%, Netflix tăng 7,5%.
Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones tăng 303,70 điểm (+1,00%), lên 30.668,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 54,51 điểm (+1,46%), lên 3.789,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 270,81 điểm (+2,50%), lên 11.099,15 điểm.
Chứng khoán châu Âu đã bật tăng, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố các biện pháp để kiềm chế thị trường trái phiếu.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 tăng 1,5% lên 413,44 điểm, trong đó, cổ phiếu các ngân hàng khu vực đồng Euro tăng 2,5%.
Sau một cuộc họp đột xuất, ECB cho biết họ sẽ sẽ tái đầu tư các khoản nợ đáo hạn để giúp các nước thành viên có nợ công cao và sẽ tạo ra một công cụ mới để ngăn chặn khả năng phân mảnh trong khối.
ECB đã quyết định kết thúc chính sách tiền tệ siêu lỏng kéo dài nhiều năm qua qua đó chấm dứt chương trình mua trái phiếu khổng lồ của ngân hàng này vào đầu tháng Bảy.
ECB cho biết: "Hội đồng Thống đốc đã quyết định sẽ linh hoạt trong việc tái đầu tư các khoản nợ đến hạn trong chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP), nhằm mục đích bảo toàn hoạt động của cơ chế chuyển đổi chính sách tiền tệ”. Chương trình PEPP được xem là công cụ"chiến lược của ECB nhằm duy trì chi phí đi vay ở mức thấp, qua đó thúc đẩy kinh tế nội khối Liên minh châu Âu tăng trưởng. Chương trình này vừa được ECB kết thúc gần đây.
Giá cổ phiếu các ngân hàng Italy như Intesa Sanpaolo và Banco Bpm đã tăng mạnh sau thông tin này, nhích lần lượt 4,6% và 3,43%.
Theo CNBC, các nhà đầu tư có vẻ đang kỳ vọng ECB sẽ có phương án giải quyết tình trạng phân mảng tài chính và làm rõ về các biện pháp sẽ được thực thi để giúp đỡ các quốc gia nặng nợ.
Kết thúc phiên 15/6: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 85,95 điểm (+1,20%), lên 7.273,41 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 180,90 điểm (+1,36%), lên 13.485,29 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 80,29 điểm (+1,35%), lên 6.030,13 điểm.