Giới đầu tư tiếp tục dồn sự chú ý đến ngày thứ hai ra điều trần trước Quốc hội Mỹ của Chủ tịch Fed Jerome Powell và người đứng đầu Fed tiếp tục cam kết trong việc kiềm chế lạm phát là "vô điều kiện", nhưng cũng cảnh báo đi kèm là nguy cơ khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và cũng lưu ý rằng suy thoái kinh tế “có thể xảy ra”, một lo ngại tiếp tục gây áp lực lên Phố Wall.
Mới đây, UBS đã nâng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế lên 69%, trở thành ngân hàng đầu tư mới nhất dự báo nguy cơ suy thoái cao. Citigroup và Goldman Sachs cũng đã nâng tỷ lệ rủi ro suy thoái trong tuần này.
Phiên này, chỉ số S&P 500 dao động giằng co quanh tham chiếu, nhưng đã nhích lên khi đóng cửa nhờ lợi suất kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần, qua đó, hỗ trợ nhóm các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng.
Dù vậy, các nhà đầu tư đang cân nhắc xem đáy của S&P 500 đang ở đâu, sau khi chỉ số này vào đầu tháng 6 này đã giảm hơn 20% so với mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 1 và chính thức rơi vào thị trường giá xuống.
Các nhóm phòng thủ được coi là địa chỉ an toàn hơn trong thời kỳ kinh tế khó khăn là những ngành hoạt động hàng đầu của S&P 500. Trong đó, ngành tiện ích tăng 2,4%, chăm sóc sức khỏe tăng 2,2% và bất động sản tăng 2%.
Lĩnh vực công nghệ tăng 1,4%, với những tên tuổi lớn như Microsoft tăng 2,3% và Apple tăng 2,2%, Amazon tăng 3,2%...
Trong khi đó, cổ phiếu ngành năng lượng giảm 3,8%, khi giá dầu thô tiếp tục sụt giảm, với Exxon Mobil và Chevron là những lực cản lớn nhất trên S&P 500 khi mất lần lượt 3% và 3,7%.
Các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm khác cũng đi xuống như vật liệu mất 1,4%, trong khi công nghiệp và tài chính giảm khoảng 0,5% mỗi nhóm.
Kết thúc phiên 23/6, chỉ số Dow Jones tăng 194,23 điểm (+0,64%), lên 30.677,36 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,84 điểm (+0,95%), lên 3.795,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 179,11 điểm (+1,62%), lên 11.232,19 điểm.
Chứng khoán châu Âu chạm mức thấp nhất trong hơn một năm, khi hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro chậm lại làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng, trong khi cổ phiếu của Đức giảm 1,8% sau khi nước này kích hoạt "giai đoạn báo động" về kế hoạch cung cấp khí đốt.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,72% xuống 402,80 điểm, trong đó, cổ phiếu các ngân hàng khu vực đồng euro giảm 4,5%. Lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro cũng giảm theo đồng euro.
Phiên này, chỉ số DAX của Đức giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng khi nguồn cung từ Nga dần cạn kiệt, sự leo thang mới nhất trong mối quan hệ bế tắc giữa châu Âu và Moscow.
Một cuộc khảo sát của S&P Global cho thấy, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro đã chậm lại đáng kể trong tháng 6, do người tiêu dùng lo ngại về các hóa đơn tăng cao đã chọn ở nhà và hoãn mua hàng để tiết kiệm tiền.
Chỉ số PMI bao gồm ngành dịch vụ thống trị của khối đã giảm xuống 52,8 điểm từ 56,1 điểm trong tháng trước.
Andrea Cicione, Trưởng bộ phận chiến lược tại TS Lombard, cho biết: "Có một kỳ vọng tiềm ẩn rằng các dịch vụ vẫn đang hoạt động tốt. PMI đã dội một gáo nước lạnh vào niềm tin đó".
Các ngành kinh tế nhạy cảm khác bao gồm ô tô, khai thác mỏ và dầu khí giảm từ 2% đến 3,6%.
Điểm chuẩn STOXX 600 đã giảm gần 19% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào ngày 5/1 và nếu tiếp tục đi xuống, chỉ số này có thể rơi vào thị trường giá xuống.
Kết thúc phiên 23/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 66,77 điểm (-0,97%), xuống 7.020,45 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 231,69 điểm (-1,76%), xuống 12.912,59 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 33,30 điểm (-0,56%), xuống 5.883,33 điểm.