Sau phiên lao dốc mạnh hôm thứ Năm do một phần Chính phủ Mỹ đóng cửa, phố Wall tiếp tục bị bán tháo mạnh trong phiên thứ Sáu khi giới đầu tư lo ngại về tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới.
Đà bán tháo càng mạnh hơn vào cuối phiên khi Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng, Mỹ và Trung Quốc có thể không đạt được thỏa thuận thương mại khi hết thời gian đàm phán 90 ngày, trừ khi Bắc Kinh có thể đồng ý với một cuộc thay đổi mạnh mẽ chính sách kinh tế của mình.
Kết thúc phiên 21/12, chỉ số Dow Jones giảm 414,23 điểm (-1,81%), xuống 22.445,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 50,80 điểm (-2,06%), xuống 2.416,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 195,41 điểm (-2,99%), xuống 6.331,99 điểm.
Phố Wall có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn rất nhiều so với 2 tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 6,87%, S&P 500 giảm 7,05% và Nasdaq giảm 8,37%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại hồi phục nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần sau phiên lao dốc hôm thứ Năm sau khi Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng đánh giá lại quan điểm của mình, giúp giảm bớt lo ngại của các nhà đầu tư rằng cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào năm tới.
Kết thúc phiên 21/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,24 điểm (+0,14%), lên 6.721,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 22,72 điểm (+0,21%), lên 10.633,82 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 1,93 điểm (+0,04%), lên 4.694,38 điểm.
Dù hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu không thoát khỏi tuần giảm điểm sau tuần hồi nhẹ trước đó. Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,81%, chỉ số DAX giảm 2,13% và CAC 40 giảm 3,28%.
Chứng khoán châu Á cũng giảm mạnh trong phiên cuối tuần do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, trong đó chứng khoán Nhật Bản xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Dữ liệu Lipper hôm thứ Năm (20/12) cho thấy các nhà đầu tư đã rút gần 34,6 tỷ USD khỏi quỹ chứng khoán trong tuần gần nhất và đang hướng tới tháng rút tiền ròng lớn nhất trong lịch sử. Thông tin này cũng tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 21/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 226,39 điểm (-1,11%), xuống 20.166,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,02 điểm (-0,79%), xuống 2.516,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 129,89 điểm (+0,51%), lên 25.753,42 điểm.
Với những phiên giảm mạnh, chứng khoán Nhật Bản có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 5,65%, chứng khoán Trung Quốc cũng có phiên giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 2,99%, chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm 1,31% sau tuần hồi phục nhẹ trước đó.
Dù chứng khoán tiếp tục bị bán tháo, nhưng giá vàng lại vẫn giảm trong phiên cuối tuần do đồng USD tăng mạnh.
Kết thúc phiên 21/12, giá vàng giao ngay giảm 3,8 USD (-0,30%), xuống 1.255,6 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 2 năm 2019 giảm 5,4 USD/ounce (-0,43%), xuống 1.258,1 USD/ounce.
Dù điều chỉnh trong 2 phiên cuối tuần, nhưng giá vàng có tuần tăng tốt do nhà đầu tư tìm đến kênh trú ẩn vì lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đồng USD tăng mạnh cũng khiến giá dầu thô tiếp tục giảm, dù mức giảm nhẹ hơn so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên 21/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,29 USD (-0,64%), xuống 45,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,53 USD (-0,53%), xuống 53,83 USD/thùng.
Sau 2 tuần tăng liên tiếp, giá dầu thô đã lao dốc trong tuần qua với giá dầu thô Mỹ giảm 10,96% và giá dầu thô Brent giảm 8,31%.