Giới đầu tư có phiên giao dịch đầy phấn khích

(ĐTCK) Lo ngại chiến tranh thương mại giảm đi giúp nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng mạnh, kéo phố Wall có phiên khởi sắc, trong đó Dow Jones và S&P 500 lên mức cao kỷ lục mới.
Giới đầu tư có phiên giao dịch đầy phấn khích

Lo ngại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, phố Wall đã có phiên giảm mạnh đầu tuần. Tuy nhiên, sau phản ứng yếu ớt của Trung Quốc khi chỉ áp thuế 5-10% với 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ, thay vì 20-25% như dự đoán giúp giới đầu tư thở phào.

Phố Wall sau đó đã có 2 phiên tăng tốt trong phiên thứ Ba, thứ Tư và trong phiên thứ Năm, chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên khởi sắc, qua đó giúp phố Wall lấy lại hết những gì đã mất trong giai đoạn điều chỉnh từ tháng 1/2018 sau thông tin 2 bên đang hướng đến một cuộc đàm phán để tháo gỡ ngòi nổ cho cuộc chiến thương mại.

Trong phiên thứ Năm, nhóm cổ phiếu công nghiệp vốn nhạy cảm với chiến tranh thương mại đã vụt tăng mạnh khi nỗi lo này giảm đi, kéo phố Wall tăng mạnh.

Ngoài ra, đồng USD cũng giảm mạnh xuống mức thấp nhất hơn 10 tuần cũng hỗ trợ cho các cổ phiếu xuất khẩu, góp phần đưa phố Wall tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp trong tuần này. Thanh khoản thị trường trong phiên thứ Năm cũng lớn hơn mức trung bình 20 ngày.

Kết thúc phiên 20/9, chỉ số Dow Jones tăng 251,22 điểm (+0,95%), lên 26.656,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,80 điểm (+0,78%), lên 2.930,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 78,19 điểm (+0,98%), lên 8.028,23 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong phiên thứ Năm nhờ lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giảm bớt.

Kết thúc phiên 20/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 36,20 điểm (+0,49%), lên 7.367,32 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 107,46 điểm (+0,88%), lên 12.326,48 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 57,86 điểm (+1,07%), lên 5.451,59 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, áp lực chốt lời sau 2 phiên tăng mạnh đã khiến các thị trường chính gặp rung lắc trong phiên thứ Năm và đóng cửa ít thay đổi. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông may mắn duy trì sắc xanh nhạt, còn chứng khoán Trung Quốc chỉ giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 20/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 2,41 điểm (+0,01%), lên 23.674,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 70,30 điểm (+0,26%), lên 27.477,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,61 điểm (-0,06%), xuống 2.729,24 điểm.

Nỗi lo cuộc chiến thương mại giảm dần khiến nhu cầu về các tài sản trú ẩn an toàn giảm đi, kéo đồng USD giảm mạnh xuống mức 10 tuần. Tuy nhiên, điều này lại hỗ trợ cho giá vàng, giúp giá kim loại quý vẫn duy trì được đà tăng nhẹ trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 20/9, giá vàng giao ngay tăng 3,2 USD (+0,27%), lên 1.206,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 3 USD/ounce (+0,25%), lên 1.211,3 USD/ounce.

Trong khi đó, trên thị trường dầu thô, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi OPEC “giảm giá ngay bây giờ” đã khiến giá dầu thô quay đầu điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng ấn tượng trước đó.

Kết thúc phiên 20/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,32 USD (-0,45%), xuống 70,80 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,70 USD (-0,89%), xuống 78,70 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục