Hiện tại, P/E (hệ số giữa giá cổ phiếu trên lợi nhuận của 1 cổ phiếu) của chỉ số S&P 500 vào khoảng 25 - 33 lần. Trong khi đó, con số trung bình các năm qua vào khoảng 15 lần. Chưa kể, lợi tức trung bình mà các cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 mang lại là dưới 2%, thấp hơn nhiều so với các con số trong lịch sử.
Trong khi mối lo ngại về định giá thị trường ở mức cao chưa được giải tỏa, tâm lý nhà đầu tư lại bị tác động bởi những diễn biến căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào.
Cuối tuần trước, ông Trump cho biết sẽ có thêm 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu thuế, bên cạnh khoảng 200 tỷ USD hàng hóa đang trong quá trình xem xét áp thuế.
Ở chiều ngược lại, Reuters đưa tin, Trung Quốc đã có kế hoạch yêu cầu WTO có biện pháp trừng phạt đối với Mỹ vì đã vi phạm các nghĩa vụ cam kết khi tham gia tổ chức này từ năm 2013 tới nay.
Tất cả các diễn biến của cuộc chiến thương mại đang diễn ra đã tạo áp lực lên tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, nhất là tại thị trường Mỹ. Điều này được thể hiện rõ nhất ở nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn là con cưng của giới đầu tư bấy lâu.
Chẳng hạn, dù đã có kết quả kinh doanh rất tích cực kể từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu Apple vẫn giảm hơn 1,3% sau khi Tổng thống Trump đưa ra thông điệp thể hiện thái độ quyết tâm theo đuổi cuộc chiến với Trung Quốc.
Bên cạnh tâm lý chung bi quan của thị trường, sở dĩ cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp Mỹ đi xuống bởi đây là đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp từ chính sách áp thuế của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc.
Đầu tuần này, Tổng thống Trump ra thông điệp kêu gọi hãng xe hơi Ford và Tập đoàn công nghệ Apple chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ để tránh thiệt hại vì chính sách thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, ước tính, nếu chuyển hoạt động sản xuất về nội địa, chi phí sản xuất sản phẩm mang tính biểu tượng của Apple – iPhone sẽ phải tăng ít nhất 100 USD/sản phẩm. Đó là chưa kể việc gặp nhiều khó khăn hơn khi không giành được thiện cảm tại thị trường tiêu thụ quy mô lớn bậc nhất thế giới là Trung Quốc.
James Spence, Giám đốc Cerno Capital nhận định, giới đầu tư đang phải đối mặt với những thách thức lớn, khi đồng USD mạnh, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và các xung đột thương mại ngày càng căng thẳng. Đây là bối cảnh khó ai có thể tưởng tượng và hầu như không dự báo được điều gì sẽ chờ đợi ở phía trước.
Nếu chuyển hoạt động sản xuất về nội địa, chi phí sản xuất sản phẩm mang tính biểu tượng của Apple – iPhone sẽ phải tăng ít nhất 100 USD/sản phẩm
Tuy nhiên, không ít chuyên gia phố Wall vẫn giữ cái nhìn lạc quan về tình hình thị trường. Thực tế, chỉ số S&P 500 vừa trải qua một giai đoạn leo dốc tích cực và đạt đỉnh mới vào tháng 8/2018, do đó, chuỗi giảm trong tháng 9 chỉ là khoảng “nghỉ ngơi” thông thường của thị trường.
Bên cạnh đó, việc P/E ở mức cao, hay được xem là giá cả ở mức đắt đỏ không đồng nghĩa với việc thị trường đang chuẩn bị cho giai đoạn đổ vỡ.
Bởi các số liệu lịch sử cho thấy, tình trạng khủng hoảng chỉ là 1 trong 2 cách thị trường chứng khoản phản ứng để tái định giá.
Cách còn lại là khi nhà đầu tư bình tĩnh tuân theo các yếu tố kỹ thuật cơ bản, chẳng hạn có chiến lược bán giá phù hợp nhằm chốt lời, đồng thời tái cơ cấu danh mục đầu tư bằng những cổ phiếu tiềm năng tăng trưởng tốt.
Chẳng hạn, thay vì thị trường trở về mức định giá được xem là bình thường chỉ trong thời gian ngắn ngủi như đã diễn ra trong 2 cuộc khoảng hoảng những năm 1960, 1970, thị trường chứng khoán sẽ từ từ điều chỉnh như giai đoạn đầu những năm 1930 và 2000. Cụ thể, ngay cả khi có sự điều chỉnh, diễn biến này không diễn ra kiểu đột ngột mà dần dần hoàn thiện trong vài năm.